Đường dẫn truy cập

Philippines, Trung Quốc ủng hộ đàm phán thay vì đối đầu ở Biển Ðông


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại thành phố Quezon, phía bắc thủ đô Manila, ngày 23/5/2011
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại thành phố Quezon, phía bắc thủ đô Manila, ngày 23/5/2011

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc kết thúc các cuộc hội đàm với các giới chức Philippines tuần này và hứa giải quyết các tranh chấp biên giới ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Ðông thông qua đối thoại và không hành động đơn phương. Từ thủ đô Manila, thông tín viên Simon Orendain của đài VOA tường trình rằng chuyến thăm của nhà ngoại giao Trung Quốc đến Philippines diễn ra vào lúc Manila vừa gởi các khiếu nại về những mâu thuẫn với Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.

Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, cả hai bên đều nhấn mạnh đến việc duy trì các mối quan hệ hòa bình, nhất là khi giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa.

Trung Quốc, Philippines và 4 quốc gia Đông Nam Á khác tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với quần đảo trường sa giàu tài nguyên mà người ta tin là có chứa một lượng lớn dầu hỏa và khí đốt.

Tiếp theo sau một cuộc họp kín ở Manila ngày hôm qua, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Eduardo Batac đã đọc một tuyên bố chung của bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Ông Batac nói: “Hai vị bộ trưởng công nhận sự cần thiết phải bảo đảm tiếp tục duy trì ổn định trên Biển Nam Trung Hoa và thừa nhận giá trị của bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong Biển Nam Trung Hoa.”

Bộ quy tắc ứng xử không có tính cưỡng hành được ký kết vào năm 2002, nhưng quy định sử dụng các phương tiện hòa bình để giải quyết tranh chấp chưa được thực thi. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, đã hối thúc Trung Quốc phải đồng ý với đề nghị về các hoạt động quản lý trên biển trong khu vực.

Các nước Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa bao gồm hàng trăm hải đảo nhỏ và những dải đá ngầm.

Các lực lượng của Trung Quốc và Philippines thỉnh thoảng đã đối đầu nhau trong khu vực tranh chấp biên giới. Bộ quy tắc ứng xử mang mục đích ngăn ngừa những cuộc đụng độ vốn có thể trở thành những cuộc xung đột lớn.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước đó phát biểu trên đài phát thanh quốc gia rằng ông sẽ nêu vấn đề này lên trong chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đến Manila. Tuy nhiên người phát ngôn của tổng thống nói rằng vấn đề Biển Nam Trung Hoa chỉ được thảo luận một cách tổng thể.

Các giới chức không công bố chi tiết về việc liệu các nhà lãnh đạo hiện nay có tiến gần hơn đến việc chính thức hóa thỏa thuận. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Quốc phòng Batac nói rằng hai vị bộ trưởng quốc phòng bày tỏ rõ quan điểm ủng hộ chính sách đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn.

Ông Batac nói: “Cả hai bộ trưởng đều công nhận rằng cần phải tránh những hành động đơn phương dẫn đến báo động. Và cũng cần phải liên tục xây dựng niềm tin và nuôi dưỡng sự tín cẩn giữa các bộ và các lực lượng vũ trang của nhau.”

Hồi tháng 3, Philippines đã gởi một kháng thư cho Trung Quốc tiếp theo sau một vụ đối đầu xảy ra giữa lực lượng của hai nước tại khu vực Reed Bank, nằm ngay phía đông của quần đảo Trường Sa. Các giới chức Philippines nói rằng tàu tuần dương của Trung Quốc đã đe dọa một tàu khảo sát vẽ bản đồ các khu vực khí đốt. Một tháng sau đó Philippines gởi một khiếu nại chính thức lên Liên hiệp quốc về việc một bản đồ của Trung Quốc nhận chủ quyền phần lớn Biển Nam Trung Hoa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG