Tại một buổi lễ hồi đầu tuần này ở Manila để mở màn cho một loạt những hoạt động giao lưu văn hóa với Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng lịch sử và địa lý của hai nước sẽ chỉ xác định một phần mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên những phát biểu của ông Rosario tại một sự kiện có mục đích cải thiện quan hệ cũng đề cập tới nhu cầu tôn trọng lẫn nhau và thượng tôn luật pháp – là những từ ngữ mà Philippines lâu nay vẫn thường dùng để khẳng định lập trường trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Rosario nói: "Vì vậy chúng ta, cả Philippines lẫn Trung Quốc, đều phải dựa trên những cơ sở vững chắc nhất để xây dựng tình hữu nghị, chẳng những chỉ dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi mà còn phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng về chủ quyền, đối thoại và thượng tôn luật pháp."
Philippines nhiều lần đề cập tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển trong vụ tranh chấp giữa họ với Trung Quốc đối với chủ quyền của quần đảo Trường Sa. Liên hiệp quốc qui định một nước có quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế cách bờ biển của mình 370 kilo mét và Philippines cho rằng một số đảo của quần đảo vừa kể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Cơ sở mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển này là một tấm bản đồ được vẽ từ nhiều thế kỷ trước.
Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển mà nhiều người tin là có những trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn. Khu vực này cũng là một ngư trường rất tốt và có những hải lộ nhộn nhịp nhất thế giới.
Trong năm vừa qua Philippines đã than phiền về 9 vụ đối đầu với Trung Quốc trong vùng biển này. Năm ngoái, chính phủ ở Manila nói rằng tàu tuần tiểu của Trung Quốc đã quấy rối một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Philippines.
Trung Quốc nói rằng những than phiền đó là vô căn cứ và bác bỏ đề nghị đưa vụ tranh chấp này ra trước tòa án Liên hiệp quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh đã không ngớt đòi tiến hành đàm phán song phương với các nước đòi chủ quyền để giải quyết vụ tranh chấp.
Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ giao lưu văn hóa ở Manila, đặc sứ Trung Quốc Ngưu Thuẩn đã không ngớt nhắc mối quan hệ tay đôi giữa hai nước.
Ông Ngưu nói như sau qua lời một thông dịch viên: "Hai nước chúng ta nên tiếp tục tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm những điểm tương đồng trong lúc tạm gác qua một bên những mối bất đồng, tăng cường nhận thức chung và xử lý thỏa đáng những mối bất đồng thông qua đối thoại và gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tổng thể giữa Trung Quốc và Philippines. Chúng ta nên trân quí xu thế phát triển tốt đẹp của các mối quan hệ song phương."
Trong năm vừa qua, Philippines đã chuyển trọng tâm của hoạt động quân sự từ bảo vệ an ninh nội địa sang an ninh quốc tế. Tháng 8 năm ngoái Philippines tiếp nhận từ Hoa Kỳ một chiến hạm lớp Hamilton, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội tương đối nhỏ của họ. Chiếc tàu được đặt tên mới là Gregorio del Pilar giờ đây đang tuần tiểu trong vùng biển Nam Trung Hoa, nơi Philippines đang thực hiện một dự án khai thác khí đốt. Theo dự liệu, Philippines sẽ tiếp nhận thêm một chiến hạm của Hoa Kỳ trong năm nay.
Tháng Tư tới đây Philippines sẽ ký các hợp đồng thăm dò dầu lửa và khí đốt, trong đó có ít nhất hai hợp đồng trong khu vực đang có tranh chấp. Trung Quốc, thông qua bài xã luận trên nhật báo do nhà nước làm chủ, đã mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch vừa kể của Philippines. Họ nói rằng Philippines sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra những vụ đối đầu mới ở biển Nam Trung Hoa.
Bắc Kinh sẽ thực hiện các chương trình giao lưu văn hóa với Philippines ở Trung Quốc vào tháng tới.
TQ, Philippines cam kết cải thiện quan hệ tuy có tranh chấp lãnh thổ
- Simone Orendain
Manila và Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện quan hệ sau khi có những căng thẳng vì vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa – vùng biển mà Philippines gọi là biển Tây Philippines và Việt Nam gọi là Biển Đông. Theo tường thuật do thông tín viên Simone Orendain của đài VOA ở Manila, việc cải thiện quan hệ sẽ được thực hiện qua một loạt những sự kiện văn hóa được tổ chức trong vòng 2 năm tới đây.