Người phát ngôn Mã Triêu Húc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Ủy ban Nobel về việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, nhưng quan chức này không nêu đích danh ông Lưu.
Phát ngôn viên Mã Triêu Húc nói rằng quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy trao Giải thưởng Hòa bình cho một người Trung Quốc bị kết án cho thấy sự bất kính đối với hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
Ông Mã ngày hôm qua cũng nói rằng giới hữu trách tư pháp của Trung Quốc sẽ quyết định liệu có cho phép ông Lưu Hiểu Ba đi Oslo để đích thân nhận giải thưởng hay không.
Ông Mã nói tiếp rằng ông không có thông tin về vợ của ông Lưu, người hình như đang bị bị quản thúc tại gia. Phát ngôn viên này không trả lời trực tiếp các câu hỏi là liệu và Lưu Hà, người không bị kết tội vi phạm luật pháp Trung Quốc, có sẽ được phép đi Na Uy để đại diện cho chồng bà nhận giải thưởng hay không.
Ủy ban Nobel có trụ sở tại Na Uy, nhưng là một tổ chức tư nhân. Tuy nhiên phát ngôn viên Mã Triêu Húc khẳng định rằng Trung Quốc đặc biệt quy lỗi cho chính phủ Na Uy về giải thưởng này.
Ông Mã nói rằng chính phủ Na Uy ủng hộ điều ông mô tả là "quyết định sai lầm" của Ủy ban Nobel. Ông cũng nói rằng quyết định này đã gây tổn hại cho các mối quan hệ, và theo nguyên văn lời ông là "đã làm cho nhân dân Trung Quốc phật lòng."
Giới chức này không nêu chi tiết về cách thức để Na Uy cải thiện các mối quan hệ, nhưng ông chỉ nói rằng "một chính phủ có trách nhiệm biết cần phải làm cái gì."
Ông Mã cũng không trả lời trực tiếp câu hỏi là liệu Trung Quốc có dự tính trả đũa tất cả các nước ủng hộ giải Nobel được trao cho ông Lưu hay không.
Một nhân vật bất đồng chính kiến ủng hộ ông Lưu, bà Đới Tình nói rằng bà đã bật khóc khi nghe tin ông lưu được trao giải.
Bà Đới Tình nói rằng bà đã khóc bởi vì kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hòa được thành lập cách đây 60 năm, bà nhận biết có rất nhiều người dân Trung Quốc bị ức hiếp, ám sát hoặc trục xuất. Bà nói nay giải thưởng này là một tín hiệu nói lên rằng có nhiều người trên khắp thế giới đang ủng hộ những người bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Bà Đới Tình nói rằng không phải lúc nào bà cũng đồng ý với ông Lưu Hiểu Ba, nhưng bà hết lòng hoan nghênh giải thưởng. Bà nói giải thưởng này không phải được trao cho chỉ một cá nhân. Bà gọi ông Lưu là một biểu tượng cho tất cả những người Trung Quốc tích cực tranh đấu, mà trong đó có nhiều người ít được biết đến hơn, và dễ bị chìm vào quên lãng.
Ông Lưu đã dành thời gian hơn 20 năm để kêu gọi cải cách chính trị cho đất nước ông. Năm 2009 ông bị tuyên án 11 năm tù vì vai trò then chốt của ông trong việc soạn thảo Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi thay đổi. Kể từ đó, đã có hơn 10.000 người ký tên trên mạng Internet, bày tỏ ủng hộ tuyên ngôn này.
Trung Quốc lại đả kích việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhân vật bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, ông Lưu Hiểu Ba. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng khẳng định rằng Bắc Kinh quy lỗi cho chính phủ Na Uy trong việc trao giải thưởng này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.