Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc đang chế một tên lửa đạn đạo có thể nhắm bắn các tàu sân bay ở cách xa hơn 1.500 kilomet.
Kế hoạch này bổ xung cho một hệ thống phòng vệ tên lửa đã có, với hơn 1.000 tên lửa hướng về Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói Trung Quốc đang đóng tàu sân bay đầu tiên, giúp họ ngồi chung chiếu với một số ít quốc gia có quyền phô trương sức mạnh trên hải phận quốc tế.
Dù Trung Quốc có tục lệ nói rất ít về kế hoạch quốc phòng của họ, các chuyên viên an ninh châu Á nghĩ rằng các động thái nêu trên xuất phát từ hai lý do.
Thứ nhất là Đài Loan. Trung Quốc dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập dù đảo này đã được Hoa Kỳ hứa bảo vệ.
Ông Ngô Tâm Bá, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải nhận định:
“Nếu có xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc cần một lực lượng răn đe nhằm ngăn không cho tàu sân bay của Mỹ vào khu vực để xen vào cách xử lý tình hình của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn đóng một tàu sân bay lớn để bảo vệ các thủy lộ quốc tế mà Trung Quốc xem rất quan trọng cho kinh tế đang dựa vào xuất khẩu của mình.”
Denny Roy, chuyên viên cao cấp của Trung tâm Ðông Tây ở Hawaii không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc triển khai một loại tên lửa đạn đạo tầm xa:
“Người Trung Hoa có kinh nghiệm lâu đời về chế tên lửa, do đó khi họ dựa vào tên lửa để làm thế đối trọng với sức mạnh của Hoa Kỳ thì cũng là chuyện tự nhiên. Đối với họ, chế một tên lửa chống tàu sân bay dễ hơn xây dựng một tàu sân bay cộng với một số tàu nhỏ đi kèm.”
Lý do thứ hai, theo lời giáo sư Ngô Tâm Bá, là tiền:
“Trước đây, Trung Quốc không đủ khả năng đóng tàu sân bay, nhưng bây giờ nhờ điều kiện kinh tế, Trung Quốc đã có cơ hội làm việc đó.”
Ông James Nolt trước đây là chuyên viên của World Policy Institute ở New York. Từ năm 2207, ông sống tại Nam Kinh với tư cách là Giám đốc chi nhánh của viện Công nghệ New York tại Nam Kinh:
“Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc đóng xong một tàu sân bay, họ cũng tụt hậu mấy mươi năm so với Hoa Kỳ về mặt kiến thức vận hành và số lượng. Khả năng đóng một tàu sân bay cho đúng nghĩa đòi hỏi nhiều kiến thức và công nghệ, chưa nói đến khả năng điều hành. Nội bao nhiêu đó cũng mất nhiều năm. Thậm chí đóng xong một tàu sân bay thì cũng chưa gọi là đủ mạnh."
Dù sao, các động thái của Trung Quốc vẫn làm các nước láng giềng quan tâm, nhất là các nước có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại các hòn đảo ở biển Đông.
Bắc Kinh đã bác bỏ nội dung phúc trình mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, và nói rằng đây chỉ là chuyện xây dựng quân sự và phòng vệ quốc gia bình thường.
Cùng lúc, Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng đòi các tàu của Mỹ phải tránh xa một số vùng biển rộng lớn, bao gồm Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Nam Trung Quốc; là những nơi mà Trung Quốc nói là của mình.
Sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc đang làm các nước bên cạnh và Hoa Kỳ lo ngại. Các chuyên viên cho rằng Trung Quốc xem các chương trình quân sự của họ là cách răn đe quan trọng trước sức mạnh của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1