Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad lên đường đi Trung Quốc để thăm gian hàng của Iran tại Hội chợ Thế giới tại Thượng Hải, và việc ông đến Trung Quốc trùng hợp với một sự rạn nứt đang diễn tiến giữa Tehran và Bắc Kinh.
Hôm qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủng hộ việc áp đặt thêm các biện pháp chế tài đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Lá phiếu này đã khơi ra những lời chỉ trích gay gắt từ phía các giới chức Iran.
Trước khi ông Ahmadinejad đến nơi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm nay đã gạt đi sự phẫn nộ của Iran.
Và ông bác bỏ các nhận định cho rằng Trung Quốc đã thay đổi hẳn lập trường đối với việc chế tài. Bắc Kinh đã phản đối các biện pháp này trong nhiều tháng, và nhấn mạnh rằng cần phải giải quyết vấn đề qua đường lối ngoại giao.
Ông Tần Cương bác bỏ chuyện Trung Quốc đã thay đổi lập trường đối với các biện pháp chế tài, và nói Bắc Kinh tin rằng việc trừng phạt như thế sẽ đưa Iran trở lại bàn thương nghị.
Ông nói khởi điểm của Trung Quốc vẫn luôn là ngăn chặn việc phổ biến hạt nhân và bảo vệ hòa bình trong vùng Trung Đông.
Và ông nói rằng lá phiếu của Trung Quốc ủng hộ các biện pháp chế tài phản ánh không riêng lập trường của Bắc Kinh mà cả mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã có thể phủ quyết nghị quyết để trừng phạt một trong những nước chính cung cấp dầu khí cho mình.
Nhưng Trung Quốc đã bị áp lực rất lớn từ phía cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ và Israel, phải gia nhập hàng ngũ và áp đặt các hạn chế nhắm vào những khoản đầu tư của Iran về quân sự và có liên quan đến hạt nhân.
Hoa Kỳ và nhiều nước khác nói rằng Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Tehran thì nói chương trình hạt nhân của họ chỉ nhắm mục tiêu hòa bình.
Ông Tần Cương cho hay Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ không hội kiến các giới chức cao cấp của Trung Quốc trong thời gian hai ngày thăm Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố đã không thay đổi ý kiến khi ủng hộ các biện pháp chế tài mới đối với Iran. Một viên chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay việc Trung Quốc bỏ phiếu trừng phạt Iran về chương trình hạt nhân của họ không có nghĩa là cánh cửa thương thuật đã bị đóng lại. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1