Hôm nay, các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước sang ngày thứ hai – đây là cuộc đối thoại đầu tiên về vấn đề nhạy cảm này trong 2 năm qua. Các cuộc hội đàm tới giờ này được phía Hoa Kỳ mô tả là thẳng thắn và có chiều sâu.
Cuộc đối thoại này diễn ra vào lúc các nhà hoạt động ở Trung Quốc - những người đã phát hiện ra một cách thức để gây tiếng vang lớn chưa từng có trong những năm gần đây nhờ có internet – đang chịu sức ép từ những nỗ lực mới nhất của chính phủ Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát và làm họ im tiếng.
Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm duyệt internet bằng cách nâng cao khả năng của “Vạn Lý Tường Lửa”, kiểm tra danh tính của tất cả những ai truy cập, và ngăn chặn nhiều trang web hơn. Giới hữu trách cũng đã quay sang các biện pháp mang tính chất truyền thống hơn.
Trong những tháng gần đây, hàng chục người đã bị bắt giữ, sách nhiễu hay buộc phải trốn chạy khỏi Trung Quốc.
Vụ mới nhất là trường hợp của bà Wan Yan Hai, nhà hoạt động nổi tiếng về bệnh AIDS, người đã chạy sang Hoa Kỳ hồi tuần trước sau khi văn phòng và nhà riêng của ông nhiều lần bị các giới chức chính quyền khác nhau lục soát, trong đó có cả cảnh sát, nhân viên sở thuế và sở cứu hỏa.
Bà Wang Songling, đại diện của Nhóm Bênh vực Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong, nói rằng nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vụ sách nhiễu là do các nhà hoạt động đang trở nên quá ảnh hưởng và gây tiếng vang lớn trên chiến trường mới nhất để đòi một xã hội dân sự – đó là internet.
Bà Wang nói: "Những cá nhân này đã thành công trong vài năm gần đây trong việc vận động cho xã hội dân sự và thu hút sự chú ý tới các vụ vi phạm nhân quyền. Về cơ bản phong trào dân chủ hiện đại ở Trung Quốc đã phát triển trong khoảng thời gian internet trở nên phổ biến ở Trung Quốc, từ năm 2003."
Vài giờ trước khi các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc ngồi xuống đối thoại ngày hôm qua về vấn đề nhân quyền, đã lộ ra tin tức rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị cung cấp một ngân khoản trị giá 1,5 triệu đôla cho tổ chức có liên hệ với Pháp Luân Công vốn đang thiết kế một phần mềm nhằm chống lại sử kiểm duyệt internet.
Vụ việc này ngay lập tức đã khiến Trung Quốc phản đối . Ngày hôm qua, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc đã lên án bất cứ hành động nào như vậy.
Ông Mã nói rằng Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc, và nói rằng không nước nào nên giúp đỡ điều mà ông mô tả là một thế lực chống đối Trung Quốc tìm cách lên tiếng.
Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền quốc tế đã hoan nghênh đề xuất về khoản viện trợ này. Bà Wang nói rằng cần cung cấp thêm nhiều ngân sách cho các tổ chức Trung Quốc để chống lại nạn kiểm duyệt.
Tuy nhiên, bà cũng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ nên tìm kiếm và ngăn chặn những công ty công nghệ phương Tây nào phát triển và bán phần mềm kiểm duyệt cho chính phủ Trung Quốc.
Bà Wang nói: “Tôi nghĩ rằng hành động này quan trọng hơn đối với chính phủ Hoa Kỳ trong việc giúp những người bảo vệ nhân quyền”.
Bà Vương nói rằng vấn đề nhân quyền gây quan ngại ở tất cả mọi bộ ngành, gồm cả thương mại, và Hoa Kỳ nên hành đông bây giờ trước khi Trung Quốc trở nên vững mạnh hơn về mặt kinh tế và sẽ khó thuyết phục họ hơn.
Các nhà hoạt động Trung Quốc đã tỏ ra không mấy phấn khởi về đường lối tiếp cận của chính phủ Tổng Thống Obama đối với thành tích nhân quyền của Trung Quốc, kể từ khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, trong một các chuyến đi thăm Trung Quốc hồi đầu năm 2009, rằng không nên để các quan tâm về nhân quyền ảnh hưởng tới việc cải thiện các quan hệ song phương.
Ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề Nhân quyền, sẽ dẫn đầu phái đoài Hoa Kỳ trong cuộc đối thoại tuần này. Phía Trung Quốc sẽ do ông Chen Xu, Tổng Giám đốc phụ trách các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn đầu.
Quan hệ Mỹ-Trung đã và đang phục hồi sau một giai đoạn tranh chấp căng thẳng, trong đó có tranh chấp về vụ việc của công ty Google và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như vấn đề về Tây Tạng.
Các nhà hoạt động ở Trung Quốc đã gây được ảnh hưởng nhiều hơn trong những năm gần đây nhờ có internet. Tuy nhiên vào lúc Bắc Kinh và Washington thực hiện cuộc đối thoại về nhân quyền đầu tiên trong hai năm qua, những người bảo vệ cho nhân quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với sự đe dọa ngày càng gia tăng cùng với sự kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ hơn. Thông tín viên đài VOA Peter Simpson gởi về bài tường trình chi tiết từ Bắc Kinh.