Đường dẫn truy cập

Kinh tế TQ tăng trưởng mạnh nhưng nhiều rủi ro


Các giới chức Trung Quốc mới đây cho biết kinh tế của họ tăng trưởng với tỉ lệ gần 9% trong năm 2009 nhờ vào một gói kích cầu qui mô lớn được bắt đầu thực hiện hồi năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch kích thích tăng trưởng với kinh phí gần 600 tỉ đô la cũng mang lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế sắp sửa qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này. Từ Hồng Kông, thông tín viên Heda Bayron của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc đã tăng với tỉ lệ 10,7% trong 3 tháng cuối của năm 2009. Đây là tốc độ tăng trưởng từng quí nhanh nhất của Trung Quốc trong vòng 2 năm.

Sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy không phải là chưa từng có ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhưng khi chúng ta xét tới tình hình kinh tế xuống dốc hồi gần đây trên toàn thế giới thì tỉ lệ vừa kể cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hồi phục rất nhanh chóng.

Phần lớn sự tăng trưởng này phát xuất từ gói kích cầu mà chính phủ ở Bắc kinh bắt đầu thực hiện hồi năm ngoái. Dựa trên gói kích cầu trị giá gần 600 tỉ đô la này các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay một số tiền kỷ lục là 1 ngàn 400 tỉ đô la, với phần lớn các khoản nợ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển địa ốc.

Các nhà kinh tế học cho rằng số lượng tín dụng gia tăng quá nhanh như vậy đang mang lại nhiều mối rủi ro cho Trung Quốc.

Một trong những mối rủi ro đó thể hiện qua tình trạng giá cả leo thang. Tỉ lệ lạm phát trong tháng 12 vừa qua đã lên tới 1,9% từ mức 0,6% của tháng 11. Và lạm phát là một vấn đề rất nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc – nơi vẫn còn hàng trăm triệu người sinh sống trong cảnh nghèo túng cùng cực.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều đáng lo ngại nhất là giá nhà đất đang gia tăng quá nhanh, giống như đang có tình trạng bong bóng. Trong tháng 12 giá nhà đã tăng với tỉ lệ trung bình gần 8% so với cùng kỳ năm 2008, và đây là là tốc độ gia tăng nhanh nhất trong vòng 17 tháng. Tổng trị giá các vụ mua bán nhà đất ở Trung Quốc trong năm vừa qua đã tăng 76%, lên tới 644 tỉ đô la – tương đương với tổng sản lượng quốc dân của cả ba nước Singapore, Thái lan và Malaysia.

Ông Nouriel Roubini, một nhà kinh tế học của Đại học New York, là người được nổi tiếng trên thế giới vì đã tiên đoán đúng về vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Ông cho rằng sự thành công của kế hoạch kích thích của Trung Quốc có thể có tác động tiêu cực.

Ông Roubini nói: "Hiện nay đã có những dấu hiệu lên cơn sốt trong một số bộ phận của nền kinh tế. Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho thị trường và đã bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ và tín dụng để tránh tình trạng lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát."

Mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương của nước này, đã siết chặt tín dụng bằng cách nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng hạn chế các khoản cho vay mới trong năm nay ở mức 1 ngàn tỉ đô la. Họ cũng tăng lãi suất của loại trái phiếu có kỳ hạn 3 tháng.

Giới hữu trách ngân hàng đang lo ngại về việc hầu hết các khoản cho vay mới đã lọt vào tay các công ty lớn trong ngành xây dựng và năng lượng, vì điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ bị khốn khó vì những khoản nợ xấu rất lớn trong trường hợp có khách hàng làm ăn thua lỗ.

Mặc dù vậy, chỉ riêng trong tuần lễ đầu tiên của tháng giêng các ngân hàng đã cho vay tổng cộng 88 tỉ đô la.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo kinh tế ở Hồng Kông hồi tuần trước, giáo sư Roubini nói rằng tình trạng tín dụng tăng mạnh ở Trung Quốc dẫn tới chỗ xây dựng quá nhiều công xưởng, cao ốc văn phòng và nhà ở:

Ông Roubini nói tiếp: "Hầu hết tỉ lệ tăng trưởng ở Trung Quốc trong năm vừa qua được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư cố định, một mặt là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các ngân hàng mà trên cơ bản là do nhà nước làm chủ được yêu cầu cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và mặt khác họ chỉ thị cho các doanh nghiệp nhà nước sản xuất nhiều hơn, thu dụng thêm nhân công và gia tăng công suất trong khi công suất chế tạo đã vượt khỏi mức cầu rất nhiều. Vì vậy tôi e rằng sách lược của Trung Quốc có thể hữu hiệu trong một năm hoặc hai năm nhưng sẽ dẫn tới chỗ thặng dư công suất nhiều hơn nữa và như thế rốt cuộc sẽ xảy ra tình trạng có quá nhiều những khoản nợ xấu."

Giáo sư Roubini nói thêm rằng cần có một sự thay đổi lớn trong chính sách để sửa chữa tình hình hiện nay, chẳng hạn như chuyển đổi mô hình phát triển từ chỗ chú trọng xuất khẩu sang chỗ thúc đẩy nhu cầu nội địa. Nhưng ông cũng lo ngại là sự thay đổi như vậy diễn ra không đủ nhanh.

Ông Lee Jong-Wah, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Á châu, cho biết rằng Trung Quốc cần tìm kiếm một sự cân bằng thích đáng trong lúc ra sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Lee cho biết: "Ngay cả trong trường hợp tỉ lệ tăng trưởng được duy trì ở một mức độ thỏa đáng và nhu cầu – đặc biệt là nhu cầu của người tiêu thụ và giới đầu tư, gia tăng theo thời gian, thì việc gia tăng đáng kể số lượng thanh khoản trong nước luôn luôn tạo ra một mối rủi ro về giá cả leo thang. Những người có tiền đầu tư lúc nào cũng muốn đầu tư vào những tích sản mang lại mức lời cao nhất. Số tiền đó có thể chạy vào khu vực địa ốc ở các thành phố lớn, có thể đổ vào một số loại chứng khoán và điều đó sẽ tạo ra những vấn đề – những sự quá độ về tài chánh và đưa tới việc bong bóng bị vỡ."

Bên cạnh mối rủi ro về bong bóng nhà đất, các chuyên gia kinh tế cũng nói tới những mối quan tâm khác về sự tăng trưởng của Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết tuy lượng xuất khẩu của trong tháng 12 đã tăng lần đầu tiên trong vòng 14 tháng như nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn của Trung Quốc vẫn còn yếu kém. Ngoài ra còn có vấn đề tỉ giá hối đoái của đồng nguyên mà trên thực tế đã được gắn chặt với đồng đô la Mỹ từ giữa năm 2008, khi nhu cầu xuất khẩu bắt đầu sút giảm.

Xuất siêu của Trung Quốc trong năm 2009 đã sút giảm lần đầu tiên trong vòng 6 năm, nhưng sự tăng vọt của lượng xuất khẩu trong tháng 12 có thể khiến cho các nước trong khối G7 gây áp lực đòi Trung Quốc để cho đồng nguyên tăng giá. Và nếu đồng nguyên tăng giá, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn.

Trong lúc các giới chức Trung Quốc muốn tránh những vấn đề phát sinh từ sự tăng trưởng quá mức, họ cũng muốn tránh những hành động đột ngột có thể khiến đà phát triển kinh tế bị khựng lại.

Hồi đầu tháng này Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng việc chấm dứt gói kích cầu quá sớm có thể làm cho đà tăng trưởng bị đảo ngược, nhưng ông cũng thừa nhận rằng chính phủ đang theo dõi sát những dấu hiệu về lạm phát và bong bóng nhà đất và đang tìm cách kiềm hãm đà gia tăng của tín dụng.

Ông Lưu Minh Khương, Chủ tịch ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc, đã phản ánh lối suy nghĩ đó khi phát biểu tại cuộc hội thảo ở Hồng Kông hồi tuần trước.

Ông Lưu nhận xét: "Trước mắt, chúng tôi có một danh sách không ít các mối thách thức. Bên cạnh những mối rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro vận hành – là những mối rủi ro thật sự, chúng tôi còn có nhiệm vụ phải đôn đốc các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc."

Ông Lưu Minh Khương cho biết rằng tất cả những vấn đề đó sẽ khiến chính phủ chật vật hơn trong việc giữ cho nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thích đáng. Ông nói thêm rằng năm vừa qua là một năm khó khăn cho kinh tế Trung Quốc nhưng năm nay có thể còn phức tạp hơn nữa vì nhiều yếu tố bất định mà nước ông đang phải đối mặt.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG