Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du không nêu đích danh ông Lưu Hiểu Ba, nhưng hôm nay tuyên bố rằng Trung Quốc không tin ông là loại người mà Ủ ban Nobel nên cứu xét để trao giải hòa bình.
Bà Khương Du nói ông Lưu bị tù vì vi phạm luật pháp của Trung Quốc, mà bà cho là một hành động “hoàn toàn trái ngược” với mục đích của giải Nobel hòa bình. Bà nói luật pháp của Trung Quốc bảo đảm quyền tự do phát biểu của công dân nhưng quyền này phải được thực thi trong điều bà gọi là “khuôn khổ các luật lệ và quy định” của nước này.
Ông Lưu, 54 tuổi, bị kết tội phản nghịch vì đã giúp tổ chức bản hiến chương 08, kêu gọi cải cách chính trị sâu rộng. Ông bị giữ ngay trước khi bản hiến chương được phổ biến trên mạng Internet hồi tháng 12 năm 2008. Một năm sau, ông bị đưa ra toà và bị kết án 11 năm tù.
Trước đó, ông đã nổi bật trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tập trung ở quãng trường Thiên An Môn. Quân đội đã đàn áp các cuộc biểu tình vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Cả thế giới đang ngày càng chú ý đến trường hợp của ông Lưu. Hồi đầu tháng này, cựu Tổng thống nước Cộng hoà Czech Vaclav Havel đã ký tên vào một bức thư công khai kêu gọi Ủy ban Nobel trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba về điều mà thư này mô tả là “sự ủng hộ ôn hòa và không mỏi mệt cho công cuộc cải cách.”
Hiến chương 08 dựa theo khuôn thức của Hiến chương 77, một bản tuyên ngôn kêu gọi các nhà hoạt động tại nước trước đây là Tiệp Khắc.
Người đứng đầu Viện Nobel của Na Uy, ông Geir Lundestad, mới đây cho hay phó bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã nói với ông rằng trao giải Nobel hòa bình cho một nhân vật phản kháng của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến bang giao giữa Oslo và Bắc Kinh.
Bà Phó Oánh nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm nay rằng bà không nhớ về cuộc họp.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố Trung Quốc chấp nhận là sẽ có bất đồng với các nước khác về vấn đề nhân quyền.
Bà Khương Du nói rằng Trung Quốc tin rằng các tranh cãi về vấn đề nhân quyền là bình thường, và rằng Bắc Kinh không có ý định làm áp lực về vấn đề này.
Bà nói thêm rằng khái niệm về nhân quyền của Trung Quốc bao gồm việc để cho hơn 1 tỷ người của nước này được “tận hưởng sự phát triển và một đời sống yên ấm”.
Ủy ban Nobel sẽ loan báo giải Nobel hòa bình năm nay vào ngày 8 tháng 10.
Trung Quốc nói nhân vật phản kháng bị tù Lưu Hiểu Ba không nên được xét trao giải Nobel hòa bình năm nay, là giải sẽ được loan báo vào tuần tới ở Oslo. Có tin cho hay các giới chức Trung Quốc đã cảnh báo uỷ ban Nobel rằng việc trao giải cho ông Lưu sẽ gây phương hại cho quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường trình sau đây.