Hôm nay, toà thượng thẩm Trung Quốc đã bác đơn của ông Lưu Hiểu Ba kháng án 11 năm tù đã tuyên cho ông hôm 25 tháng 12 vừa qua.
Nhà văn 54 tuổi này bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền vì đã giúp phác thảo một đề xuất có tên là “Hiến chương 08” kêu gọi thực hiện các cải cách toàn diện về dân sự và chính trị. Ông bị bắt hồi tháng 12 năm 2008, ít lâu truớc khi văn kiện được phổ biến trên mạng internet.
Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc, ông Jon Huntsman lập tức công bố một thông cáo bầy tỏ sự thất vọng của Washington trước quyết định vừa kể. Thông cáo được phát ngôn viên Sứ quán Hoa Kỳ Richard Buangan tuyên đọc, đề nghị chính phủ Trung Quốc phóng thích ông Lưu ngay tức thời và cho phép các công dân Trung Quốc được bầy tỏ chính kiến một cách ôn hòa.
Ông Buagan noi: "Ngược đãi các cá nhân vì bầy tỏ chính kiến một cách ôn hoà là không phù hợp với các nguyên tắc nhân quyền đã được quốc tế thừa nhận.”
Liên hiệp châu Âu cũng công bố một thông cáo kêu gọi phóng thích ông Lưu và chấm dứt việc xách nhiễu và giam giữ nhiều ngàn người Trung Quốc đã ký tên vào Hiến chương 08.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc hôm nay tuyên bố giới hữu trách tư pháp đã thực hiện quyết định của họ.
Ông Mã nói ông không thể bình luận về chi tiết vụ việc có liên quan đến ông Lưu Hiểu Ba. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các hoạt động tư pháp của Trung Quốc là vấn đề nội bộ và Trung Quốc “không chấp nhận sự vi phạm và can thiệp nào.”
Ông Lưu Hiểu Ba là một trong những người sáng lập Trung tâm Văn bút độc lập của Trung Quốc, một chi nhánh của Hội Văn Bút Quốc tế, một mạng lưới các tổ chức nói lên quyền tự do văn hoá trên khắp thế giới.
Vào ngày chót của năm 2009, Trung tâm Văn bút Mỹ đã tổ chức một cuộc tập hợp ở New York để kêu gọi phóng thích ông Lưu.
Trong cuộc tập hợp đó, nhà văn Mỹ E.L. Doctorow đã cực lực lên án vụ bỏ tù ông Lưu.
Nhà văn Doctorow nói: “Trung Quốc được cho là sẽ lãnh đạo thế giới tiến vào tương lai trong tư cách một siêu cường ở thế kỷ thứ 21, nhưng khi bỏ tù người dân của mình vì tư tưởng của họ, thì nước này đã bị kẹt lại với quá khứ, với những bóng ma của các hoàng đế và các nhà độc tài, các nhà vua, cùng với những tay côn đồ quân đội và thần quyền, giống như tại Iran, gian lận bầu cử và bắn hạ dân chúng ngoài đường phố.”
Ông Doctorow nói ông và các ủng hộ viên khác cảm thấy rằng ông Lưu Hiểu Ba không hành động để lật đổ hay lăng mạ chính quyền, mà chỉ kêu gọi Trung Quốc thực hiện lời hứa đã ghi trong hiến pháp.
Ông Lưu Hiểu Ba nằm trong số nhiều nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc mà tên tuổi được nhắc đến trong danh sách đề cử giải Nobel hòa bình. Trong số những người công khai ủng hộ việc đề cử ông, có các nhà lập pháp của cả Hoa Kỳ lẫn Cộng hòa Czech.
Một tòa phúc thẩm của Trung Quốc đã giữ y án 11 năm tù của ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1