Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, được hỏi là cái chết của Osama bin Laden có ảnh hưởng gì tới các chính sách chống khủng bố của Trung Quốc hay không.
Bà Khương không trực tiếp trả lời câu hỏi vừa kể nhưng tỏ ý cho thấy là Trung Quốc tin rằng họ cũng gánh chịu những khổ đau vì nạn khủng bố.
Bà Khương Du nói rằng có những phần tử khủng bố đang âm mưu chia cắt Trung Quốc và đe dọa nghiêm trọng tới nền an ninh của đất nước.
Bà nói thêm rằng cuộc chiến chống lại các thế lực khủng bố ở Đông Turkestan là một phần quan trọng của chiến dịch chống khủng bố quốc tế và cộng đồng thế giới nên tăng cường sự hợp tác chống khủng bố.
Đông Turkestan là một tên gọi khác của người sắc tộc thiểu số Uighur theo đạo hồi sinh sống ở Tân Cương, trong vùng tây bắc Trung Quốc.
Trước đây chính phủ Mỹ đã ghi tên Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan vào danh sách các tổ chức khủng bố ở nước ngoài, tuy tên của phong trào này không thấy xuất hiện trong danh sách công bố hồi tháng 11 năm ngoái.
Phát biểu của Trung Quốc về vấn đề khủng bố được đưa ra trong lúc một tổ chức tranh đấu ở New York có tên là Nhân quyền ở Trung Quốc (Human Rights in China) nói rằng Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ngăn không cho những người sắc tộc Uighur đến Hoa Kỳ để tham dự một đại hội của người Uighur.
Thông cáo của tổ chức này tố cáo các nước vùng Trung Á khuất phục trước áp lực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, là tổ chức đã chấp nhận chính sách của Trung Quốc là gộp chung chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và các phong trào đòi ly khai.
Giám đốc tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc, bà Sharon Hom, nói rằng chính phủ Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để quốc tế hóa những mối quan tâm của họ.
Một trong những mối quan tâm phát sinh từ những phản ứng của Trung Quốc trước cái chết của Osama bin Laden là họ dùng sự kiện này như một cơ hội để kết nối chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa khủng bố quốc tế với các phong trào đòi ly khai, vốn là một mối quan tâm trong nội bộ của Trung Quốc về những hoạt động đòi ly khai ở Tân Cương.
Lập luận vừa kể nhận được sự tán đồng của ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur. Ông tố cáo rằng truyền thông Trung Quốc đã có hành động mà ông gọi là “bắt cóc” vấn đề Uighur bằng cách liên kết vấn đề này với bin Laden và al-Qaida.
Ông Tohti thừa nhận có một số người Uighur có những quan điểm cực đoan hơn, nhưng ông nói thêm rằng điều đó không có nghĩa là họ dính líu tới al-Qaida.
Ông Tohti nói rằng những người biết điều không nên tìm cách liên kết bin Laden với người Uighur. Ông cho biết thêm rằng người Uighur nên cảm thấy vui mừng vì thời đại của bin Laden đã kết liễu và ông xem những người Uighur nào thật sự dính líu với al-Qaida là kẻ thù của ông.
Học giả này cho biết ông cảm thấy việc bắt mọi người Uighur phải chịu trách nhiệm đối với hành động của một vài người là một việc không công bằng.
Một số vụ bạo động đã xảy ra ở Tân Cương trong vài năm gần đây, trong đó có một vụ nổ bom năm 2008 ở Kashgar giết chết 16 cảnh sát viên Trung Quốc. Và năm 2009 những mối căng thẳng vì vấn đề sắc tộc đã bùng ra thành những vụ xuống đường biểu tình có bạo động tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Vụ rối loạn này gây tử vong cho khoảng 200 người.
Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để chống lại vấn đề mà họ cho là vấn đề khủng bố quốc nội trong vùng Tân Cương, nơi đa số cư dân là người theo đạo Hồi. Trung Quốc tố cáo những người sắc tộc Uighur thiểu số dùng bạo lực để đòi độc lập trong khi người Uighur lên án Trung Quốc đàn áp văn hóa và tôn giáo của họ.