Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đánh dấu ngày bệnh AIDS thế giới


Cộng đồng địa phương phát các bao cao su đánh dấu Ngày bệnh AIDs thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1/12/2011
Cộng đồng địa phương phát các bao cao su đánh dấu Ngày bệnh AIDs thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1/12/2011

Giới hữu trách Trung Quốc công khai đánh dấu ngày Thế giới về bệnh AIDS năm nay, nhưng chính phủ vẫn nhạy cảm đối với các tổ chức độc lập tìm cách phòng chống sự lây lan của bệnh này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson gửi về bài tường thuật sau đây.

So với một thập niên trước đây khi Trung Quốc hết sức che dấu về dịch bệnh AIDS tại nước họ, Ngày Thế giới về bệnh AIDS đã trở thành một điểm nổi bật trong cuộc vận động của đảng Cộng sản nhằm đề cao cảnh giác về sức khỏe.

Các cơ quan truyền thông nhà nước đã tường thuật ngày này bằng những bài xã luận dài dòng và các số liệu thống kê kèm theo những bản tin về các kế hoạch của chính phủ nhằm phòng chống sự lây lan dịch bệnh AIDS trong kế hoạch ngũ niên quan trọng.

Bộ Y tế Trung Quốc và cơ quan AIDS của Liên Hiệp Quốc ước tính đến cuối năm nay, có khoảng 780.000 người sẽ sống với virut HIV AIDS ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là khoảng 40.000 người đã bị nhiễm bệnh trong năm vừa qua.

Các số liệu thống kê cho thấy gần 82% các ca lây nhiễm là qua đường tình dục.

Guy Taylor là một người phụ trách chương trình thuộc văn phòng AIDS của Liên Hiệp Quốc ở Trung Quốc. Ông nói khoảng 1/3 những ca lây nhiễm mới là do lây truyền qua qua quan hệ đồng tính luyến ái.

Ông Taylor nói: “Có một số chiều hướng đáng lo ngại trong dịch bệnh này, nhất là sự gia tăng nhanh chóng về mức độ các vụ quan hệ tình dục giữa nam giới với nhau. Trên toàn quốc, con số vào khoảng 5%, nghĩa là cao gấp 90 lần so với con số trong toàn thể dân chúng.”

Ông Taylor nói trong khi chiều hướng toàn bộ đáng lo ngại, có những khu vực hẻo lánh mà tỷ lệ lây nhiễm còn cao hơn.

Ông Taylor nói tiếp: “Ở một số thành phố tỷ lệ là 1 trong 5 người, có khi còn hơn 1 trên 5.”

Ông Taylor nói các nước khác cũng hứng chịu một sự gia tăng tương tự trong giới nam đồng tính. Nhưng sự kỳ thị và thiếu hiểu biết về dịch bệnh có nghĩa là nhiều người đàn ông bị nhiễm bệnh không đi thử nghiệm.

Theo ông Taylor, một trong những cách tốt nhất để phá vỡ thành kiến xã hội về dịch bệnh này ở Trung Quốc và khuyến khích thêm nhiều người đi thử nghiệm và điều trị là ở các chẩn y viện độc lập và các trung tâm tư vấn.

Ông Taylor nói: “Chúng tôi nghĩ điều quan trọng ở Trung Quốc là tăng cường sự tham gia của các tổ chức có cơ sở cộng đồng, vì các tổ chức này có thể thay mặt các cộng đồng và tìm hiểu nhu cầu của họ nhiều hơn. Những người bị nhiễm bệnh sẽ bớt do dự tiếp xúc với các tổ chức này bởi vì họ tin cậy và có thể hiểu rõ các tổ chức này hơn.”

Bất kể nỗ lực phòng chống bệnh, Bắc Kinh vẫn còn rất nhậy cảm về bệnh AIDS cũng như ản hhởng của các tổ chức độc lập đối với những người bị bệnh.

Phát biểu quá lớn tiếng về chính sách gây nhiều tranh cãi đối với bệnh AIDS của chính phủ có thể đưa đến chỗ bị đe dọa, bắt bớ và mất tích.

Các tổ chức phi chính phủ thường bị cấm hay hạn chế và những người hoạt động bị bắt giữ, trong đó có ông Hồ Giai, người đã bị tù 3 năm rưỡi vì lên tiếng.

Các nhà hoạt động Vạn Diên Hải và nhà vận động cao tuổi Cao Diệu Khiết đều bị chính phủ Trung Quốc hăm dọa và hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.

Ông Hồ, người được phóng thích khỏi nhà tù hồi tháng 6, tuần trước bị ngăn không được nộp lên bộ y tế một đơn xin bồi thường, thay mặt cho một bệnh nhân đã bị lây nhiễm bệnh AIDS vì truyền máu.

Các biện pháp yếu kém để dò bệnh ở các bệnh viện và chẩn y viện có nghĩa là hàng ngàn người Trung Quốc mắc bệnh AIDS khi họ hiến hay truyền máu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG