Ông Triệu Liên Hà thành lập một tổ chức gọi là “Trẻ Sơ Sinh bị Sạn Thận” để cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ, sau khi 300.000 trẻ sơ sinh Trung Quốc ngã bệnh vì uống phải loại sữa bột mà nhà sản xuất đã cố tình pha trộn với chất melamine.
Tại cao điểm của vụ tai tiếng này vào cuối năm 2008, ít nhất có 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng, và hằng chục ngàn trẻ khác phải nhập viện để điều trị.
Luật sư của ông Triệu, ông Bành Kiếm, nói rằng hôm Thứ Tư, các giới chức tòa án tại Bắc Kinh đã tuyên phạt ông Triệu Liên Hà 2 năm rưỡi tù giam, về tội “cố ý gây cãi cọ và khích động xáo trộn.”
Luật sư Bành Kiếm cho hay là khi bản án được công bố, ông Triệu Liên Hà đã lên tiếng phản đối rằng ông không phạm phải tội gì, ông nói bản án như thế là quá bất công.
Luật sư Bành cho biết vợ và mẹ của ông Triệu cũng có mặt khi tòa tuyên án. Ông cho biết là đang chuẩn bị chống án, mặc dù ông không lấy gì làm lạc quan. Ông Bành Kiếm nói ông nghĩ rất khó có thể thay đổi phán quyết đó, nhưng ông vẫn phải cố gắng.
Các giới chức được tiếp xúc tại tòa án ở Bắc Kinh, từ chối, không bình luận gì trong lúc này.
Sữa bột bị nhiễm độc bắt đầu tác hại đến trẻ em Trung Quốc hồi tháng Tám năm 2008, tuy nhiên tin này không được thông báo cho công chúng biết, vì lúc đó Trung Quốc đang tổ chức Thế vận hội Olympics Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sau đó, nhà chức trách Trung Quốc đã bỏ tù hoặc hành quyết một số nông dân, những người buôn sữa, và một vài nhà điều hành công ty Tam Lộc, là công ty đã bán loại sữa nhiễm độc.
Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc không đưa ra công bố nào về những án phạt dành cho các giới chức chức chính phủ bị câu lưu liên quan tới vụ tai tiếng này.
Melamine là một hóa chất công nghiệp được pha thêm vào loại sữa có phẩm chất kém, với ý đồ đẩy lượng protein lên cao một cách giả tạo, khi sữa được xét nghiệm.
Trung Quốc đã thiết lập một ngân quỹ để bồi thường cho các trẻ em bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng, nhưng con cái của nhiều bậc cha mẹ đồng minh với ông Triệu Liên Hà, không hội đủ điều kiện để được bồi thường.
Bản án dành cho ông Triệu được công bố vào một thời điểm nhạy cảm đối với người dân Trung Quốc, những người đã công khai tỏ thái độ bất đồng ý kiến với chính quyền.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, những người bênh vực quyền của các bệnh nhân mắc bệnh AIDS, cùng một số luật sư biện hộ trong các vụ kiện gây tranh cãi chính trị, nhiều người đã mất tích, bị tống giam, hoặc bị quấy nhiễu.
Một thí dụ là ông Đàm Tác Nhân, người đã bị kết án 5 năm tù hồi đầu năm nay, về tội âm mưu lật đổ chính phủ.
Ông Đàm từng thu thập tài liệu về các công trình xây dựng kém phẩm chất mà ông tố cáo đã góp phần gây tử vong cho hàng ngàn học sinh trong trận động đất gây nhiều tàn phá năm 2008.
Trung Quốc đặc biệt tỏ thái độ phẫn nộ về chuyện Giải Nobel Hòa Bình năm nay đã được trao tặng cho nhà văn bất đồng chánh kiến Lưu Hiểu Ba.
Ông Lưu đang thọ án tù 11 năm về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Ông là người chủ yếu đóng góp vào việc soạn thảo Bản Hiến Chương 08, một văn kiện đòi cải cách chính trị sâu rộng và tự do ngôn luận tại Trung Quốc.
Một tòa án Trung Quốc đã tuyên án tù 2 năm rưỡi để trừng phạt một người đàn ông đã tổ chức một trang Web cho cha mẹ các trẻ em lâm bịnh vì uống sữa bị nhiễm độc, sau khi con trai của ông cũng lâm bịnh hồi năm 2008 vì uống phải loại sữa này.