Hôm nay, luật sư Trần Quang Thành, 38 tuổi, đã trở về nhà ở gần Lâm Nghi trong tỉnh Sơn Đông.
Ông Trần đã trở thành một trong các nhân vật tranh đấu nổi tiếng nhất Trung Quốc sau khi ông vận động đòi nhà cầm quyền ngưng buộc nông dân phải phá thai hay triệt sản. Năm 2006, ông bị buộc tội phá hoại tài sản công cộng và tổ chức một đám đông gây gián đoạn giao thông. Ông bị bỏ tù 4 năm.
Ông Nicholas Bequelin thuộc tổ chức Human Rights Watch mô tả cuộc sống mới của ông Trần là một “cuộc sống bất định” – trong đó ông không còn bị ở tù, nhưng vẫn chưa được hưởng quyền tự do.
Ông Bequelin nói: “Đây là một mưu toan của chính phủ Trung Quốc để có thể đưa ra lời phủ nhận nào đó về mặt ngoại giao. Họ có thể nói với các chính phủ khác rằng, “đây, cá nhân này không bị ở tù, không bị bắt giữ,” mặc dù trên thực tế, cá nhân này đang bị bịt miệng và họ không được tự do đi lại.”
Trung Quốc thường theo dõi các nhân vật tranh đấu được phóng thích khỏi nhà tù và hạn chế việc đi lại của họ.
Ông Bequelin nói thân nhân của ông Trần đã gặp nhiều khó khăn trong việc thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài vì điện thoại của họ thường xuyên bị theo dõi. Ông cho rằng lẽ ra cũng nên để yên cho ông Trần, một người khiếm thị, bởi vì ông đang bị một chứng bệnh đã bị nhiễm trong lúc bị tù.
Nhà bênh vực nhân quyền này nói rằng có một mức độ đáng lo ngại về kinh tế trong vụ này. Nhiều người thân của ông Trần là nông dân, mà sinh hoạt đã bị ảnh hưởng vì bị công an để ý quá nhiều trong những năm gần đây.
Ông Bequelin nói tiếp: “Họ vẫn sống. Đương nhiên họ rất khó có được một cuộc sống bình thường và tham gia các sinh hoạt kinh tế bình thường. Nhà cầm quyền thực sự đã tước mất sinh kế của họ.”
Trong những năm gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã siết chặt quyền kiểm soát các tổ chức dân sự và các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền. Đã có nhiều báo cáo về những luật sư nhận các ca nhậy cảm về chính trị bị xách nhiễu.
Hôm nay, nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói bà không biết chi tiết về vụ ông Trần. Nhưng bà nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh về các nhân vật bất đồng chính kiến và tranh đấu - đó là những vụ việc này đang được xử lý theo luật pháp của Trung Quốc.
Các tổ chức nhân quyền trong mấy năm vừa qua đã chỉ trích Trung Quốc là siết chặt quyền kiểm soát các công nghệ thông tin mới, qua hiện tượng mà tổ chức này gọi là một nỗ lực hạn chế quyền tự do phát biểu.
Mới đây, Trung Quốc đã loan báo rằng những người mua các số điện thoại di động sẽ phải đăng ký các chi tiết cá nhân – một biện pháp mà giới hữu trách nói là nhắm mục đích ngăn chặn tình trạng gửi bừa bãi các tin nhắn.
Tuy nhiên, các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền cho là nhà chức trách muốn theo dõi những người sử dụng điện thoại di động dùng các tin nhắn để nói cho mọi nguời biết về những vụ chống đối.
Lực lượng an ninh Trung Quốc bao vây và chận lối ra vào căn nhà ở nông thôn của luật sư tự học tranh đấu vừa được phóng thích khỏi nhà tù sau khi thụ án tù 4 năm. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.