Nhiều tháng sau khi phái đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại Hàn Quốc, truyền thông nước này phát hiện ra 9 trong số những quan chức của đoàn Việt Nam đã trốn ở lại trái phép.
MBC News hôm 23/9 cho biết trong phái đoàn gồm hơn 160 người đi theo bà Ngân đến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà, Moon Hee-san, 9 người đã không quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc 4 ngày làm việc.
Trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, phái đoàn Việt Nam, trong đó có 20 bộ trưởng cao cấp, gồm cả bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trong phóng sự hình ảnh của MBC News, đã tham dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại.
Toàn bộ phái đoàn Việt Nam đến sân bay Gimhae ở Busan bằng một chuyên cơ của Vietnam Airlines. Theo truyền thông Việt Nam, bà Ngân và đoàn tùy tùng sau khi làm việc tại Busan đã tới Seoul, nơi bà có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in.
Chính phủ Hàn Quốc đã không biết về sự “biến mất” của những thành viên đoàn Việt Nam cho tới khi một trong số những người ở lại trái phép xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm nay và tự nguyện xin trở về Việt Nam, theo thông tin của văn phòng chính phủ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được MK News trích dẫn.
Một người khác trong số 9 người ở lại trái phép đã bị buộc phải trở lại Việt Nam, theo 2 hãng tin của Hàn Quốc. Bảy người còn lại hiện không rõ tung tích.
Theo điều tra của MBC News, những người bỏ trốn đã móc nối với các đường dây trung gian để hợp thức hóa hồ sơ và đưa tên vào danh sách chuyến đi.
Trong phóng sự độc quyền của MBC News, phóng viên Na Se-woong đặt câu hỏi với một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc về việc liệu những người này đã đến Hàn Quốc với mục đích ở lại Hàn Quốc trái phép ngay từ đầu hay không. Quan chức này nói rằng “có vẻ là như vậy” và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.
Quốc hội Hàn Quốc đã không thông báo cho phía Việt Nam biết về vụ việc và Bộ Ngoại giao nước này đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra cũng như không thể đảm bảo tránh cho một sự việc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc và là đối tác quan trọng nhất của nước này trong Chính sách Hướng Nam.
Cho tới lúc này, Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về thông tin các thành viên trong phái đoàn Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời VOA về việc liệu Việt Nam có tiến hành điều tra về vụ việc này hay không.
Việc người Việt Nam đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại đã từng xảy ra. Có các quan chức người Việt đi công tác ở châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam. Hồi năm ngoái, 152 người Việt đi du lịch ở Đài Loan và đã ‘mất tích’ ở đó.
Hàn Quốc hồi tháng 6 vừa qua đã thay đổi chính sách cấp visa 5 năm cho những người Việt Nam sống ở các thành phố lớn do sự tăng đột biến của những hồ sơ xin thị thực có hộ khẩu giả cũng như lượng người có visa 5 năm đã ở lại Hàn Quốc quá hạn.