Đường dẫn truy cập

Chiến tranh thương mại: kẻ khóc người cười


Một trang trại tại bang Missouri.
Một trang trại tại bang Missouri.

Mọi người không nói về đánh thuế thương mại tại dải đất thuộc lưu vực sông Mississippi ở bang Missouri này, nơi mà nhiều thế hệ người Mỹ đã sống nhờ vào canh tác các loại hạt và sản xuất kim loại.

Họ né tránh chủ đề này tại các buổi gây quỹ ở nhà thờ và không muốn nhắc tới nó tại các quán Jerry’s Café và Quick Stop nơi các nông dân và các công nhân nhôm nói chuyện phiếm về đủ mọi thứ trên đời.

Chính tại đây, kẻ được-người mất trong chính sách chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đang sống cạnh nhau.

Việc ông Trump áp thuế lên kim loại nhập khẩu, bao gồm nhôm và thép, có vai trò quan trọng trong việc hồi sinh một nhà máy nhôm mà đa số người dân địa phương xem như đã chết rồi. Nhưng ở những cánh đồng xung quanh nhà máy và trên khắp quận hạt, các nông dân đang lo lắng trước sự trả đũa đối với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Họ hoãn mua thêm máy móc thiết bị, cho những người đi săn thuê đất và bán sớm mùa màng trước khi thu hoạch trong nỗ lực chốt được giá của ngày hôm nay do lo sợ giá bán sẽ giảm vào ngày mai.

“Mọi người không muốn nói về thương mại,” ông Justin Rone, một nông dân ở một gia đình có truyền thống canh tác đậu nành và cotton lâu đời, nói. “Sẽ dễ chịu hơn nếu anh nói làm cách nào để trồng trọt tốt nhất, đi cúi đầu xuống và cầu nguyện.”

Nỗi sợ của các nông dân đã thành hiện thực hôm 6/7 khi Hoa Kỳ và Trung Quốc áp thuế quan lên 34 tỷ đô la giá trị hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước. Nhiều nhà xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ, trong đó có đậu nành, giờ phải đối mặt với mức thuế 25%.

Ông Neil Priggel biết rõ hai mặt của tác động của chiến tranh thương mại đối với cộng đồng của ông. Ông từng làm việc tại nhà máy nấu chảy nhôm Noranda trước khi nó phá sản hồi năm 2016. Đồng thời ông cũng điều hành nông trại rộng 4.000 mẫu đất cùng với hai người anh em.

Khi ông Trump loan báo sẽ áp thuế nhôm và thép hồi tháng Ba, ông Priggel nhìn chằm chằm vào màn ảnh truyền hình và nghĩ: chúng ta được cứu rồi. Chúng ta sẽ có công việc trở lại.

Nhưng liền sau đó, ông ấy lại nghĩ: Cần phải bảo vệ nông trại thôi.

Priggel và những người nông dân ở đây, nơi khoảng 70% cử tri ủng hộ ông Trump, biết rõ rằng mùa màng của họ là mục tiêu hiển nhiên của những nước muốn phản công lại chính sách thuế Mỹ. Họ cũng biết rằng việc đánh thuế vào kim loại nhập khẩu sẽ kéo những người chủ mới về đây mở lại các nhà máy nhôm và thép vốn từ lâu giúp cho những người láng giềng của họ có tiền trả tiền vay ngân hàng mua nhà, tiền mua xe và vật dụng hàng ngày.

Bà Kathee Brown đã làm việc ở Noranda được ba thập niên. Hồi tháng Ba bà quay lại bộ phận nhân sự chỉ gồm một người của nhà máy có tên gọi là Magnitude 7 Metals. Điện thoại của bà reo liên tục.

Có thật là nhà máy sẽ mở cửa trở lại không?

Cô có nhận được hồ sơ xin việc của tôi không?

Trên bàn làm việc bám đầy bụi bẩn của mình với những ngăn kéo còn chất đầy những hóa đơn cũ, bà đang kiểm tra hộp thư thoại – một lần nữa lại đầy. Nhiều người gọi đến là những công nhân cũ ở nhà máy; đôi khi họ trào nước mắt khi nhận được cuộc gọi lại của bà.

Giờ đây, người chủ mới của nhà máy có kế hoạch tuyển 465 nhân công – nhiều hơn gấp đôi số nộp hồ sơ xin việc.

Đưa nhà máy nấu nhôm mở cửa trở lại là một nỗ lực lớn, người dân địa phương cho biết, cũng giống như khi họ có nhà máy trả lương cao này mở cửa lúc đầu tại vùng nông thôn này của bang Missouri.

Các công nhân đã trải qua những năm tháng giá nhôm bị giảm, đình công, suy thoái và đấu tranh với các công ty cung ứng điện. Công ty đã cắt giờ làm rồi sa thải nhân công, người dân địa phương cho biết.

Tuy nhiên nhà máy đã đóng cửa vào đầu năm 2016 sau một loại cú sốc khiến họ chao đảo: giá nhôm toàn cầu đi xuống; một quỹ cổ phần riêng ở New York mắc khoản nợ 1 tỷ đô trong một vụ mua lại tài sản bằng vốn vay; một vụ nổ làm cho khu xưởng cán nhôm tê liệt và tình trạng thiếu điện đã khiến hai dây chuyền sản xuất bị đóng cửa.

Khoảng 1.000 người phải đi tìm công việc khác và thường là được trả lương thấp hơn, ông Mark Baker, nông dân và là ủy viên hội đồng của Quận hạt New Madrid, cho biết.

“Người ta mất nhà,” ông Dick Bodi, thị trưởng của New Madrid, bang Missouri, nói. “Người ta ly dị.”

Ngân sách cho cảnh sát và cứu thương ở khu vực bị cắt giảm. Quận hạt này đã lâm vào cảnh nợ nần trong hai năm, ông Baker nói. Công ty Noranda không thể nào trả được khoản thuế 3,1 triệu đô cho New Madrid, khiến việc làm bị cắt giảm và công việc sửa chữa trường học phải dừng lại, ông Sam Duncan, người giám sát hệ thống trường trong quận hạt cho biết. Khi các gia đình chuyển đi nơi khác, số học sinh trong quận đã giảm 10%, Duncan nói.

Nhưng đa số mọi người ở lại và thường là chuyển sang các lĩnh vực khác để tìm việc.

“Những người duy nhất cần thuê mướn nhân công là nông dân,” anh Dalton Bezell, 31 tuổi, từng làm việc cho hãng Noranda, nói.

Vào cuối mùa hè, lực lượng lao động của Noranda đã giảm xuống còn chín người và những người này chỉ kiếm được một phần trong mức lương trước kia của họ. Công việc của họ là đảm bảo duy trì nhà máy và tìm cách phục hồi nó.

Ông Steve Rusche, giờ đây là giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, là một trong số 9 người đó. Ông đã chứng kiến những người có ý định mua lại nhà máy đi tham quan cơ sở - không phải mua về để cho nó hoạt động trở lại mà là để rã nó ra và bán sắt vụn. Tuy nhiên, một công ty lại làm khác; đó là Magnitude 7 Metals LLC do thương gia nhôm Matt Lucke sáng lập. Ông Lucke muốn vận hành nhà máy nếu nó đứng vững về mặt tài chính, Rusche nói.

Cơ quan lập pháp của bang Missouri do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã hỗ trợ bằng cách thông qua một đạo luật gây tranh cãi giúp cho các nhà máy dễ dàng thuê mướn những nhân công không là thành viên công đoàn. Những nhân viên còn lại của Noranda cũng giúp thương thảo giảm được giá điện và giữ giá nguyên liệu đầu vào cho công ty mới.

“Điểm xoay chuyển tình thế là khi có tin từ Washington là Mỹ sẽ đánh thuế kim loại,” ông Rusche nói.

Tháng Sáu vừa qua, giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, ông Bob Prusak đã ra làm chứng trong một phiên điều trần Bộ Thương mại trong nỗ lực điều tra của Bộ về nhôm nhập khẩu. Ông nói rằng thuế quan ‘không phải là không quan trọng để giúp chúng tôi đứng vững và hoạt động trở lại.”

Thêm nhiều nhà đầu tư nữa tham gia vào nỗ lực này để ông Trump đe dọa và sau đó là áp thuế kim loại. Nhà máy của ông Prusak đã tăng cường tuyển dụng và mở dây chuyền sản xuất đầu tiên hôm 14/6.

“Giờ đây đã có hy vọng,” ông Bodi, thị trưởng New Madrid nói.

Tuy nhiên, hy vọng đó lại mờ dần trên những trang trại của quận hạt New Madrid. Khu vực này là nơi sản xuất đậu nành và bắp hàng đầu của Missouri hồi năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hãng DuPont Pioneer có một nhà máy sản xuất hạt đậu nành khổng lồ ở đây. Bờ sông gần đó có đầy những kho chứa và những cầu chuyển hàng xuống tàu do công ty Archer Daniels Midland, nhà giao dịch hạt toàn cầu, vận hành.

Những nông dân trồng hạt ở địa phương bán hầu hết thu hoạch của họ cho những trạm thu mua ven sông để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài do nhu cầu ít ỏi ở trong nước. Những nhà thu mua vận chuyển hàng xuôi dòng Mississippi xuống các cảng ở vịnh Mexico để phân phối ra quốc tế.

Trước khi có chiến tranh thương mại, các nông dân đã bị tổn thương với thu nhập ròng bị giảm trong những năm gần đây do tình trạng dư thừa hạt toàn cầu kéo giá đi xuống.

Khoảng phân nửa lượng đậu nành trồng ở Mỹ hồi năm ngoái là để xuất khẩu, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp. Trên một phần tư sản lượng thu hoạch, trị giá 12,3 tỷ đô la, là xuất sang thị trường Trung Quốc. Dữ liệu của chính quyền liên bang cho biết bang Missouri xuất khẩu lượng hàng hóa nông nghiệp trị giá 2 tỷ đô la.

Một số người làm công trong nông trại của ông Rone nói rằng họ biết ơn ông vì đã tạo công ăn việc làm cho họ sau khi họ mất việc ở nhà máy nhôm. Nhưng với việc nhà máy mở cửa trở lại, họ đang xin vào làm công việc cũ.

“Tôi cảm thấy vui cho họ. Ai cũng vậy,” ông Rone nói. “Nhưng đối với chúng tôi, đối với các nông dân, mọi việc cần phải chờ xem.”

Priggel và các anh em của ông đã ký hợp đồng bán trên phân nửa bắp, đậu nành và cotton họ trồng vào mùa xuân năm nay – một động thái để giữ trước giá phòng khi chiến tranh thương mại đẩy giá sản phẩm của họ xuống. Hồi tháng Sáu, các hợp đồng mua bán trước đậu nành của Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Nhà tiếp thị cotton Barry Bean ở bang Missouri cho biết một trong số các nông dân đã quá lo sợ về các đe dọa thuế quan đến nỗi ông ta đã bán trước gần 80% sản lượng thu hoạch ngay cả trước khi xuống giống trồng trọt vào mùa xuân này. Ông ấy không có bảo hiểm mùa màng nên ông ấy chỉ có nước gọi cho ông Bean liên tục để nài ép ông mua thêm nhiều cotton dù cotton còn đang trong giai đoạn phát triển trên các cánh đồng.

“Thôi nào,” Bean cứ phải nói với ông ấy. “Nếu có chuyện gì xảy ra – nếu thời tiết bất lợi (làm cho mùa màng thất bát khiến không có sản phẩm giao cho khách hàng) thì anh sẽ gặp rắc rối lớn đấy.”

Còn ông Bobby Aycock, nông dân trồng đậu nành thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình, đã phải cắt giảm chi phí vận hành, tránh mua thêm thiết bị mới và cho thuê một phần đất nông trại của gia đình.

Theo Reuters

VOA Express

XS
SM
MD
LG