Đường dẫn truy cập

Chia rẽ quan điểm về Di sản của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp


Tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. (hình chụp ngày 4/5/1984).
Tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. (hình chụp ngày 4/5/1984).
Thứ Sáu 4 tháng 10, một trong các vị chỉ huy quân sự Việt Nam được kính trọng nhất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đã qua đời tại một quân y viện ở Hà Nội, thọ 102 tuổi. Thế nhưng bất chấp những lời vinh danh và sự thương tiếc của công chúng trên khắp nước, sự nghiệp lâu dài của vị tướng lãnh này trong cả thời chiến lẫn thời hậu chiến vẫn gây chia rẽ, nhất là trong giới các nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.

Tin Đại Tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội chiều tối thứ Sáu, nhanh chóng khơi lên những phản ứng khác nhau.

Tướng Võ Nguyên Giáp được cho là có công vạch kế hoạch trận Điện Biên Phủ hồi năm 1954, dẫn tới việc chấm dứt chế độ cai trị thực dân Pháp. Ông cũng được mô tả là một nhân vật chủ chốt đưa việc đánh bại miền Nam Việt Nam hồi năm 1975, chấm dứt cuộc chiến tranh mà người Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Chiến lược gia tự học này được coi là cha đẻ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và từng là một người bạn thân của ông Hồ Chí Minh.

Đối với một nhân vật có tầm vóc lịch sử như thế, sự chú ý sau khi ông qua đời đã tỏa một ánh sáng vào các nhà đương thời tại Việt Nam và thành tích của họ, theo nhận định của ông Jonathan London, một nhà phân tích về Việt Nam, và cũng là phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông.

“Cái chết của Tướng Giáp một phần nào đó khiến người ta chú ý tới thành tích cũng như tính chính đáng của giới lãnh đạo Việt Nam đương quyền, thế cho nên trong giới lãnh đạo cảm thấy cần phải xử lý vấn đề này vì những sự nhạy cảm liên quan tới nó.”

Sau chiến tranh, Tướng Giáp đã nêu lên những quan tâm về việc Việt Nam nhanh chóng áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế cũng như chính sách đối ngoại theo kiểu Xô Viết. Sau đó, Tướng Giáp đã bị gạt sang một bên trên chính trường Việt Nam, và về hưu vào năm 1991 sau khi từ nhiệm chức Phó Thủ Tướng.

Giáo sư London nói giới lãnh đạo Việt Nam muốn kiểm soát việc tường thuật chính thức về cái chết của Tướng giáp bằng cách chú trọng vào những thắng lợi quân sự của ông, nhưng việc đó có thể khó khăn vì những lập trường chính trị của ông trong những năm cuối đời.

“Cách đây vài năm khi Tướng Giáp lên tiếng về một số vấn đề, kể cả việc khai thác bô-xít trên vùng Tây nguyên, và kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, ông đã gây được sự chú ý rộng rãi trong công chúng nói chung.”

Một số những người ủng hộ và quảng bá lập trường của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng trở thành mục tiêu của chính phủ.

Khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng nổ tại Hà Nội hồi năm 2011, một số những người biểu tình đi tuần hành, mang theo hình ảnh của Tướng Giáp.

Ông Nguyễn Quang Thạch là một trong những người đi biểu tình. Ông nói ông tin rằng dân chúng Việt Nam nên thể hiện tinh thần của Tướng Giáp, nhưng không phải chỉ để phản đối Trung Quốc.

“Vào thời điểm này, công dân Việt Nam cần nhập tâm học hỏi tinh thần của Tướng Giáp để đất nước chúng ta có thể chiến thắng trên nhiều mặt trận, như cải cách kinh tế và giáo dục, và hiện đại hóa quân đội.”

Nhưng không phải tất cả giới hoạt động tích cực đều chia sẻ nhiệt tâm của ông Thạch. Trong khi Tướng Giáp bước vào tuổi 90, ông vẫn là một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam, nhưng một số cho rằng ảnh hưởng của Tướng Giáp đã bị sụt giảm trong những năm gần dây trong khi ông không xuất hiện trước công chúng, và phải nhập viện. Giáo sư London nói tiếp:

“Tướng Giáp đã nằm viện trong 3 hoặc 4 năm cho nên cái chết của ông đã được dự kiến từ lâu. Trong khi đó, tôi tin rằng nền văn hóa chính trị của Việt Nam đã thay đổi nhiều trong một thời gian rất ngắn. Cho nên trong khi cá nhân Tướng Giáp chỉ vài năm trước còn gây nhiều sự chú ý trong giới đấu tranh để đòi cải cách chính trị tại Việt Nam, thì tới khi ông qua đời, Việt Nam về phần lớn đã bỏ ông lại trong quá khứ để hướng về tương lai.”

Đối với những người đã chạy sang Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam, những phản ứng trước cái chết của Tướng Võ Nguyên Giáp khác biệt hẳn với những người tại thủ đô Hà Nội. Rất nhiều người trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn còn những tình cảm mạnh mẽ chống đối Đảng Cộng Sản Việt Nam, theo lời ông Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của Đảng Việt Tân, một đảng bị cấm hoạt động ở Việt Nam.

Ông Duy nói:

“Tôi tin rằng những lời tuyên truyền bên trong Việt Nam, và lời tuyên truyền của một số nhà trí thức phương Tây, luôn luôn xoay quanh việc Tướng Giáp đã đánh đuổi người Mỹ ra khỏi Việt Nam như thế nào. Nhưng tôi tin rằng họ quên mất rằng trong 20 năm ấy, trên thực tế đây là một cuộc nội chiến giữa những người anh em Việt Nam, tranh đấu cho hai ý thức hệ khác nhau, và cuối cùng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam là bên thua cuộc trong trận thư hùng này.”

Nhưng ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại nên đánh giá đúng vai trò của Tướng Giáp trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

“Chúng ta phải thừa nhận vai trò của Tướng Giáp trong phong trào giành độc lập, trong vai trò của ông ở Điện Biên Phủ, đó là một điều mà không phải tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt hải ngoại sẵn sàng công nhận.”

Tang lễ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được cử hành vào ngày thứ Bảy tới tại Hà Nội.

VOA Express

XS
SM
MD
LG