Đường dẫn truy cập

Chia rẽ đảng phái sẽ trở nên kịch liệt hơn trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama?


Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại Tòa Bạch Ốc 20/1/13
Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại Tòa Bạch Ốc 20/1/13
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm thứ Hai cho nhiệm kỳ thứ nhì, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã một lần nữa kêu gọi mọi người đoàn kết và hô hào chấm dứt tình trạng chia rẽ đảng phái. Tuy nhiên một số các nhà quan sát chính trị cho rằng chính trường Washington trong 4 năm tới đây sẽ tiếp tục bị chế ngự bởi những vụ đối đầu gay gắt giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm chủ nhật, Cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc David Plouffe cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ dùng bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai để khẳng định “một cách rất mạnh mẽ” rằng “những người ở Washington đây cần phải tìm kiếm một nhận thức chung” để giải quyết các vấn đề của đất nước.

Theo một số các nhà phân tích, điều mà một số người gọi là “cuộc nội chiến chính trị” ở Mỹ sẽ trở nên kịch liệt hơn trong 4 năm tới đây, bất chấp sự kiện ông Obama là người có xu hướng tìm kiếm thỏa hiệp.

Trong bài viết trên tờ The Guardian ở Anh hôm Chủ nhật, nhà bình luận Michael Cohen cho biết ông Obama vẫn mong muốn được xem là một người tạo đoàn kết thay vì là một người gây chia rẽ.

Khi ra tranh cử tổng thống năm 2008, vị thượng nghị sĩ Dân chủ đại diện tiểu bang Illinois đã thúc đẩy cho điều được mô tả khi đó là “một chương trình nghị sự hậu đảng phái” (post-partisan) – một nỗ lực đầy tham vọng để đoàn kết các phe phái chính trị kình chống nhau.

Ông Cohen cho rằng nỗ lực đó đã không đạt kết quả - một phần là vì những hành động của chính ông Obama, nhưng một phần quan trọng hơn nữa là phản ứng của phe bảo thủ đối với sự trỗi dậy của ông Obama trên chính trường quốc gia. Theo ông Cohen, tính chất cay độc của sự chống đối nhau giữa các phe phái chính trị ở Mỹ có phần chắc sẽ không giảm đi trong thời gian tới đây, bất kể ông Obama nói gì trong bài diễn văn nhậm chức.

Nhà bình luận của tờ The Guardian cũng cho rằng điều trớ trêu là ông Obama có thể chính là người khích động cho tình trạng phân cực ở Washington. Ông Cohen cho biết trong lúc tìm cách tạo dựng hình ảnh của một người đề cao tinh thần lưỡng đảng, ông Obama đã thẳng tay xé nát các đối thủ chính trị của mình. Năm 2008, hơn phân nửa các chương trình quảng cáo tranh cử của ông Obama được dùng để tấn công ông John McCain; và trong năm 2012, ông Obama cũng đã bỏ ra rất nhiều công sức để công kích ông Mitt Romney thay vì dồn nỗ lực cho việc trình bày một chương trình nghị sự tích cực cho 4 năm sắp tới.

Trong khi đó, các viên cố vấn của ông Obama cho biết vị Tổng thống đã đoạt giải Nobel Hòa bình sau khi lên nắm quyền được 8 tháng sẽ bỏ qua những cuộc chiến chính trị của quá khứ để mang lại một sự khởi đầu mới cho nước Mỹ.

Ông Jim Messina, người đứng đầu chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Obama, nói với đài truyền hình ABC rằng “Ngày thứ Hai này là một thời khác của nước Mỹ: ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ, vị tổng thống của mọi người.” Ông Messina nói thêm rằng “Quí vị sẽ thấy một vị tổng thống muốn làm việc vượt qua ranh giới đảng phái để cho công việc được hoàn thành. Đó chính là điều mà đất nước này mong muốn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG