Đường dẫn truy cập

Chi tiêu quân sự gia tăng ở châu Á, Trung Đông


Một chiếc máy bay chiến đấu J-31 của Trung Quốc hạ cánh ở đường băng sau màn trình diễn tại buổi Triển lãm Hàng không và Không gian vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, 11/11/2014.
Một chiếc máy bay chiến đấu J-31 của Trung Quốc hạ cánh ở đường băng sau màn trình diễn tại buổi Triển lãm Hàng không và Không gian vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, 11/11/2014.

Chi tiêu quốc phòng của Mỹ giảm xuống mức 38 phần trăm tổng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2014, so với 47 phần trăm năm 2010, theo đánh giá về khả năng quân sự toàn cầu công bố hôm thứ Tư ở Anh. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói sự thay đổi này diễn ra trong khi chi tiêu quân sự ở Trung Đông và châu Á tăng lên đáng kể.

Ở Trung Đông và Bắc Phi, chi tiêu quốc phòng trên danh nghĩa ước tính đã tăng lên một khoảng gần hai phần ba kể từ năm 2010, và hơn một phần tư tại châu Á.

Nhà phân tích Ben Barry là nhà nghiên cứu cao cấp về Chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

"Ở Trung Đông đó một phần là kết quả của Mùa xuân Ả-rập, và một phần cũng là kết quả của căng thẳng chiến lược, ví dụ giữa các nước vùng Vịnh và Iran. Và ở châu Á, những nước đang ngày càng phồn thịnh quyết định đầu tư một phần trong sự phồn thịnh đó vào việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình," ông Barry nói.

Bản báo cáo nói rằng Mỹ và ở một chừng mực nào đó, một số nước phương Tây khác, vẫn có khả năng quân sự vượt trội. Nhưng báo cáo nói phương Tây đang đứng trước nguy cơ mất đi lợi thế quân sự-công nghệ của mình.

Ở châu Âu, tổng chi tiêu quốc phòng thực trong năm 2014 thấp hơn năm 2010 bảy phần trăm.

"Trong khi sức mạnh địa kinh tế đang chuyển hướng về phía đông, rời khỏi châu Âu sang Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương, sức mạnh quân sự cũng đang chuyển hướng. Và đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc, nước mà ngân sách quốc phòng đang tăng lên đáng kể và ngày càng sản xuất nhiều xe bọc thép, tàu và máy bay hiện đại hơn và đắc lực hơn," ông Barry nói.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế John Chipman giới thiệu báo cáo tại London. Ông cho biết một trong những mối quan tâm quân sự chính của năm 2014 là sự tái xuất hiện xung đột ở châu Âu.

Ông nói những sự kiện ở Ukraine làm xói mòn "hầu như toàn bộ niềm tin" giữa các cường quốc phương Tây và Nga.

"Trong suốt cuộc khủng hoảng này Nga đã thể hiện quyết tâm sử dụng vũ lực và sự ủng hộ thành phần khác sử dụng vũ lực ở Ukraine. Nhìn chung, châu Âu đang đối mặt với một nước Nga hiếu chiến hơn mà dường như có ý định thử quyết tâm của phương Tây," ông Chipman nói.

Theo báo cáo hôm thứ Tư, những khoản tăng chi tiêu quốc phòng của Nga đạt mức trung bình 10 phần trăm trong ba năm đến năm 2014.

Báo cáo nói rằng Nga đã sử dụng một loạt những phương pháp chính trị-quân sự truyền thống và phi truyền thống ở Ukraine, khiến các thành viên NATO phải "đắn đo suy nghĩ."

Ông Ben Barry nói:

"Những gì chúng ta đã chứng kiến là một cuộc nổi dậy được nhà nước tài trợ, với tuyên truyền, thông tin sai lạc, cùng với khía cạnh không gian mạng trong cuộc xung đột. Điều mới mẻ là tốc độ mà sự việc có thể xảy ra và khía cạnh không gian mạng, đặc biệt là cách tuyên truyền và loan tin có thể được truyền đi nhanh chóng qua mạng xã hội."

Báo cáo nói Nga có thể phải chật vật duy trì gia tăng chi tiêu quân sự của mình vì nền kinh tế của Nga suy yếu, liên quan đến một số nguyên nhân như giá dầu giảm và những biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG