Đường dẫn truy cập

Cựu giới chức tình báo Hàn Quốc: Chế độ Kim Jong Un ổn định


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc diễu hành từ ban công nhìn xuống Quảng trường Kim Il Sung ngày 10/5/2016.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc diễu hành từ ban công nhìn xuống Quảng trường Kim Il Sung ngày 10/5/2016.

Một cựu giới chức tình báo cao cấp của Nam Triều Tiên cho biết quyền lực mà ông Kim Jong Un nắm giữ ở Bắc Triều Tiên đã được củng cố nhiều hơn so với nhận xét của các nhà phân tích. Thông tín viên Cho Eun Jung của đài VOA tường thuật.

Ông Suh Hoon, cựu Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên, cho biết chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay được ổn định và có phần chắc sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành bất chấp những biện pháp chế tài quốc tế mỗi lúc một nhiều.

Chuyên gia về Bắc Triều Tiên này cho biết như vậy hôm thứ ba, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên kết thúc đại hội đảng kéo dài 4 ngày, một sự kiện chính trị được xem là có mục đích củng cố quyền hành lâu dài của ông Kim Jong Un.

Tại đại hội đầu tiên trong vòng 36 năm, ông Kim Jong Un được bầu làm chủ tịch của Đảng Lao động đương quyền.

Ông Su Hoon nói “Qua việc lập ra một chức danh mới trong đảng, chế độ này đã định chế hoá sự cai trị của ông Kim Jong Un.”

Ông nói thêm rằng vì ông Kim Jong Un tương đối trẻ và không có thế lực nhiều như thân phụ ông nên chế độ ở Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ tăng cường những nỗ lực để tôn vinh nhà lãnh đạo trẻ này và khoe khoang những thành tựu của ông.

Hồi gần đây, một số các nhà phân tích ở Seoul đã viện dẫn một loạt những vụ đào thoát được dư luận chú ý để nói rằng chế độ của ông Kim Jong Un có thể sụp đổ một cách đột ngột. Các giới chức Nam Triều Tiên cho rằng những vụ đào thoát có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của chế độ Bắc Triều Tiên.

Từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, quân đội Bắc Triều Tiên đã bắt đầu nhường quyền làm ra quyết định cho đảng. Các nhà phân tích nói rằng đại hội đảng mới đây có lẽ sẽ làm mạnh thêm xu hướng này.

Ông Yang Moo Jin, một nhà phân tích của Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói “Sự thay đổi nhân sự lãnh đạo tại đại hội đảng cho thấy một cách rõ ràng là ảnh hưởng của quân đội đã sút giảm.”

Một số những người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Nam Triều Tiên cho biết một cuộc đảo chánh quân sự có thể xảy ra vì sự bất mãn mỗi ngày một nhiều của quân đội đối với chế độ.

Tại một cuộc hội thảo hồi tuần trước ở Washington, bà Wendy Sherman, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đề nghị Washington và các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên thảo luận về cách ứng phó với điều bà cho là “một sự sụp đổ bất ngờ hoặc một cuộc đảo chánh” ở Bình Nhưỡng. Bà Sherman nói “ngày càng rõ ràng” là không thể loại trừ khả năng xảy ra một tình huống như vậy.

Tuy nhiên, theo ông Suh Hoon, suy đoán đó không có cơ sở.

Ông nói “Trong tình hình hiện nay ở Bắc Triều Tiên, quân đội hầu như hoàn toàn không thể tìm cách thực hiện một cuộc đảo chánh. Chế độ này duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với hầu như mọi thành phần trong xã hội và không ngừng loại bỏ những mối đe dọa tiềm ẩn. Bên cạnh đó, rõ ràng là không có một lực lượng thay thế nào bên trong Bắc Triều Tiên có thể liên minh với những thế lực bên ngoài.”

Mặc dầu vậy, ông Suh Hoon cũng cho rằng phong cách cai trị và xu hướng súng bái cá nhân của ông Kim Jong Un có thể tạo ra những mối nguy hiểm cho chế độ. Ông nói ông Kim Jong Un còn tàn bạo hơn thân phụ ông -- là ông Kim Jong Il, và đang cai trị “bằng khủng bố, thường xuyên thanh trừng và xử tử một cách dã man.”

Ông Suh đề cập tới vụ xử tử ông Jang Song Thaek, chú đượng của ông Kim Jong Un năm 2013 và nói rằng “Ông Kim Jong Un đã lập ra một tiền lệ là ngay cả người trong hoàng tộc cũng có thể bị xử tử.”

Theo ông Suh Hoon, chính sách hạt nhân của ông Kim Jong Un cũng khác với thân phụ ông. Ông nói “Ông Kim Jong Il tìm cách duy trì tính chất mơ hồ về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, còn ông Kim Jong Un thì tìm đủ mọi cách để phô trương những khả năng đó.”

Ông Suh Hoon cho rằng những sự khác biệt đó có lẽ đã phát sinh từ cảm giác bất an của ông Kim Jong Un về quyền hành của mình, vì giai đoạn chuẩn bị để lên kế vị của ông quá ngắn.

Ông Suh Hoon từng nắm giữ những vai trò quan trọng trong việc giàn xếp cho hai cuộc hội nghị thượng đỉnh Liên Triều năm 2000 và 2007. Hiện nay ông là giáo sư của Đại học Nữ sinh Ewha (Ewha Womans University) ở Seoul.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG