Nhiều nước châu Âu mới lên tiếng cảnh cáo các doanh nghiệp Việt Nam vì hiện tượng có “chất cấm” trong hải sản xuất khẩu.
Lời cảnh báo này của EU đưa ra sau khi một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật và Ảrập Xêút cũng đưa ra các cảnh báo tương tự.
Cơ quan đảm trách về sức khỏe và an toàn thực phẩm của châu Âu đã phát hiện sản phẩm của 4 doanh nghiệp Việt Nam không đảm bảo và có "chất cấm".
Thông tin này được Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới cung cấp cho báo chí Việt Nam.
Theo Nafiqad, 3 quốc gia châu Âu là Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đã phát hiện “chất cấm” trong các sản phẩm của các công ty Việt Nam là Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ; Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam; Công ty cổ phần Foodtech và Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Khang Thông.
Cục trên yêu cầu “các đơn vị bị cảnh báo khắc phục nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu”.
Trước đó thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng bị thị trường Mỹ, Nhật và Ảrập Xêút cảnh báo, thậm chí tạm ngưng nhập khẩu do nhiễm vi sinh, kháng sinh cấm.
Cáo buộc từ Malaysia
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Tôm của Malaysia mới lên tiếng cáo buộc phía Việt Nam cùng với Trung Quốc và Ấn Độ đang chuyển các mặt hàng hải sản sang nước này để có chứng nhận an toàn rồi sau đó xuất sang các nước khác.
Ông Syed Omar Syed Jaafar nói như vậy sau xuất hiện các thông tin nói rằng tôm xuất khẩu của Malaysia nhiễm kháng sinh.
Ông Jaafar nói: “Chúng tôi không bao giờ sử dụng kháng sinh. Chuyện là tôm xuất sang Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Họ đã cấu kết với một số doanh nghiệp vô trách nhiệm của Malaysia để chuyển hàng sang đây lấy chứng nhận chất lượng rồi sau đó tái xuất sang Mỹ”.
Chính quyền Hà Nội chưa lên tiếng trước cáo buộc của người đứng đầu hiệp hội xuất khẩu tôm của Malaysia.
Theo Saigon Times, Tuoi Tre, IntraFish, The Star