Các tổ chức tranh đấu cho quyền của người tị nạn nói rằng hàng ngàn sinh mạng sẽ gặp rủi ro sau khi Italia chấm dứt công tác tìm kiếm, cứu hộ di dân ở Địa Trung Hải hôm thứ 7 tuần trước. Nhờ chiến dịch có tên “Mare Nostrum” mà trong một năm qua đã có hàng trăm ngàn di dân được cứu khi họ rời bờ biển Bắc Phi để tới Âu châu trên những con thuyền ọp ẹp. Liên hiệp Âu châu đã tiếp nhận công tác này, nhưng những người chỉ trích nói rằng chiến dịch mới có qui mô nhỏ hơn nhiều và không được tài trợ đầy đủ. Henry Ridgwell của đài VOA ghi nhận từ London.
Trên đảo Lampedusa của Italia, một hòn đảo gần Tunisia hơn Sicily, việc cập bến của những chiếc tàu ọp ẹp chở hàng trăm di dân là một việc xảy ra hầu như mỗi ngày.
Italia đã phát động chiến dịch “Mare Nostrum” cách nay một năm, sau khi 500 di dân thiệt mạng ở ngoài khơi Lampedusa hồi tháng 10 năm 2013 - buộc chính phủ phải hành động.
Chỉ trong vòng một năm, các tàu của hải quân và lực lượng tuần duyên Italia có máy bay yểm trợ đã cứu khoảng 150.000 người. Công tác này tốn khoảng 11,9 triệu đô la mỗi tháng.
Chiến dịch Mare Nostrum đã kết thúc hôm mồng 1 tháng 11, và theo lời Bộ trưởng Nội Vụ Italia, ông Angelino Alfano, chính phủ ở Rome không thể tiếp tục đài thọ cho chi phí của công tác này.
"Số tử vong không tương xứng với số tiền chi ra. Chúng tôi đã thực hiện một sứ mạng, mà chúng tôi cảm thấy hãnh diện, và đó là một sứ mạng được bắt đầu như một công tác có giới hạn thời gian. Khu vực nằm trong phạm vi hoạt động của sứ mạng này chạy dài cho tới gần sát bờ biển Bắc Phi," theo ông Alfano cho biết.
Italy đã than phiền từ nhiều năm nay là các đối tác trong Liên Minh Châu Âu giúp đỡ quá ít để ứng phó với làn sóng của những người di dân. Chỉ riêng trong năm nay đã có khoảng 150.000 người vượt Địa Trung Hải. Hơn 2.500 người được biết là đã thiệt mạng trong khoảng thời gian đó.
"Cơ quan biên giới của Liên Minh Châu Âu, gọi tắt là Frontex, đang tiếp nhận sứ mạng cứu hộ với tên gọi mới là Triton. Nhưng chương trình này chỉ có một phần ba nguồn lực của chương trình cũ và chỉ hoạt động trong vùng biển cách bờ biển Châu Âu 50km."
Các tổ chức hỗ trợ di dân và người tị nạn đã mạnh mẽ chỉ trích việc chấm dứt công tác cứu hộ trên khắp Địa Trung Hải. Ông Gunter Burkhardt của tổ chức Pro-Asyl ở Đức phát biểu như sau.
"Sẽ có thêm nhiều người chết trên biển. Các vị ngoại trưởng nhận thức được sự cần thiết của việc cung cấp thêm viện trợ, nhưng các vị bộ trưởng nội vụ ở Châu Âu làm đủ mọi cách để đóng kín các biên giới cho người tị nạn, đặc biệt là những người đến từ Syria."
Các giới chức Liên Minh Châu Âu nói rằng các nước thành viên không sốt sắng trong việc đóng góp tiền bạc, nhân viên và trang thiết bị. Ông Rafael Fernandez-Pita, Tổng Giám đốc Hội đồng Liên Minh Châu Âu, cho biết rằng: "Chỉ riêng các nước hội viên, họ không thể làm được. Chỉ riêng Frontex, họ không thể làm được. Cho nên chúng ta cần hợp tác, tất cả mọi người chúng ta phải làm việc với nhau, để tìm cách chấm dứt bi kịch khiếp đảm này."
Anh Quốc ủng hộ cho việc chấm dứt công tác cứu hộ Mare Nostrum. Họ nói rằng công tác tìm kiếm cứu hộ ở Địa Trung Hải tạo ra điều mà họ gọi là “sức hút ngoài ý muốn”, làm gia tăng số người muốn thực hiện chuyến hải hành nguy hiểm. Chính phủ ở London chỉ phái một nhân viên di trú tham gia sứ mạng mới của Liên Minh Châu Âu.
Các nước Châu Âu cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để trấn áp những kẻ chuyên tổ chức những chuyến vượt biên đầy bất trắc, những kẻ bắt người di dân phải trả từ 1.500 cho tới 3.000 đô la cho mỗi chuyến đi.
Trong số những người tìm cách vượt biên có hàng ngàn người Syria trốn chạy cuộc nội chiến ở nước họ, cùng với những người Iraq, Afghanistan, Eritrea và những di dân kinh tế trên khắp Phi Châu.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi thế giới chú ý nhiều hơn tới số phận của những người di dân.
Tại một buổi lễ mừng Ngày Các Thánh ở Rome hôm thứ bảy, nhà lãnh đạo Vatican đã chỉ trích sự đối xử của thế giới với những người chạy trốn chiến tranh và nạn đói. Ông nói rằng: "Họ làm như thể những người này, những em bé đói khát này, những em bé đau yếu này là không đáng kể. Họ làm như thể những người này thuộc về một loài khác chứ không phải loài người."
Những tổ chức hỗ trợ người tị nạn nói rằng việc chấm dứt Chiến dịch Mare Nostrum sẽ không làm chùn bước những người chạy trốn chiến tranh và đói kém – và những chiếc thuyền chở những người này sẽ tiếp tục kéo tới các nước châu Âu.