Đường dẫn truy cập

Châu Âu ‘trở lại không gian’ dù có trục trặc khi ra mắt tên lửa Ariane 6


Tên lửa Ariane 6 của châu Âu phóng lên hôm 9/7/2024.
Tên lửa Ariane 6 của châu Âu phóng lên hôm 9/7/2024.

Những người đứng đầu các cơ quan hàng không vũ trụ ca ngợi việc châu Âu quay trở lại không gian sau khi tên lửa Ariane 6 thực hiện thành công một loạt thử nghiệm trong chuyến bay đầu tiên hôm 9/7, theo Reuters.

Được một máy bay chiến đấu Rafale theo dõi, tên lửa không người lái mới nhất của châu Âu đã phóng lên từ Guiana thuộc Pháp vào khoảng 4h chiều, giờ địa phương, khôi phục sự tự chủ của châu Âu trong việc bay vào không gian, sau những lần trì hoãn, các trở ngại chính trị và tranh cãi về nguồn tài chính.

Mặc dù không phải là cuộc phóng có mục đích thương mại nhưng chuyến bay lần này đã triển khai ba bộ vệ tinh siêu nhỏ cho mục đích nghiên cứu, nhờ đó, các quan chức vũ trụ châu Âu tuyên bố rằng chuyến bay đầu tiên đã thành công.

“Châu Âu đã quay trở lại không gian”, ông Philippe Baptiste, người đứng đầu cơ quan vũ trụ CNES của Pháp, nói qua đường truyền video với trụ sở ở Paris của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), nơi các nhân viên và chính trị gia cổ vũ cuộc phóng này.

Là một cột mốc được nhiều người mong đợi, động cơ Vinci cung cấp lực đẩy cho tầng trên của tên lửa đã được khởi động lại lần đầu tiên trong không gian. Động cơ này được thiết kế để khởi động lại nhiều lần, cho phép người vận hành tàu Arianespace đặt các vật thể vào nhiều quỹ đạo khác nhau.

Tuy nhiên, người ta đã phải hủy lần khởi động thứ ba sau khi một máy phát điện nhỏ hơn tự tắt mà không rõ lý do, có nghĩa là lô hàng cuối cùng - hai khoang nhỏ được thiết kế để thử nghiệm các điều kiện sống sót khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất - vẫn bị mắc kẹt trên tàu.

Bà Tina Buchner da Costa, kiến trúc sư hệ thống phóng Ariane 6, nói: “Chúng tôi đã gặp phải một điều bất thường… Có lẽ chúng tôi sẽ không hoàn thành phần này của chương trình bay như chúng tôi mong đợi”.

Máy phát điện phụ bị trục trặc đó là một hệ thống quan trọng phục vụ cho tên lửa để đưa các tải trọng có ích vào quỹ đạo dự kiến.

Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher nói rằng cơ quan này vẫn đang đi đúng lộ trình thực hiện chuyến bay thứ hai vào cuối năm nay.

Ariane 6 được ArianeGroup, do Airbus và Safran đồng sở hữu, phát triển với chi phí ước tính khoảng 4 tỷ euro (4,33 tỷ USD). Ban đầu, tên lửa được dự kiến phóng lần đầu vào năm 2020 nhưng việc này đã bị trì hoãn nhiều lần.

“Ariane 6 là nền tảng cho tham vọng không gian của châu Âu”, ông Toni Tolker-Nielsen, quyền giám đốc về vận tải vũ trụ của ESA, nói với Reuters từ phòng điều khiển tại cảng vũ trụ của châu Âu.

ESA đã đưa ra một sáng kiến nhằm thúc đẩy các dự án bệ phóng nhỏ có thể mở đường cho một công ty tư nhân trong tương lai.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG