Rừng Amazon, vốn được xem là ‘lá phổi của nhân loại’, bị cháy dữ dội trong mùa hè năm nay là ‘do sự tàn phá của con người’ trong nỗ lực lấy đất phát triển nông nghiệp được Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, thúc đẩy với chính sách mở cửa rừng Amazon để phát triển kinh tế, một nhà nghiên cứu môi trường ở Mỹ nói với VOA.
Rừng Amazon đang trải qua vụ cháy dữ dội nhất trong nhiều năm qua khiến cộng đồng quốc tế quan ngại vì nơi đây có hệ sinh thái đa dạng nhất Trái đất và sản xuất ra một lượng lớn khí oxy cho bầu khí quyển.
'Phá rừng để trồng trọt'
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết từ thành phố Houston (bang Texas) hiện là chủ tịch của một hội các nhà môi trường gốc Việt ở Mỹ, nhận định rằng mặc dù rừng Amazon hàng năm đều xảy ra cháy theo chu kỳ, nhưng ‘năm nay tình trạng cực kỳ nguy hiểm’ khi đám cháy hoành hành dữ dội trên nhiều tiểu bang của Brazil.
Ông Truyết dẫn số liệu của Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil dựa trên hình ảnh vệ tinh cho biết mức độ cháy rừng Amazon năm nay nhiều hơn 83% so với năm 2018.
Về nguyên nhân cháy rừng, ông Truyết chỉ ra là ‘do thời điểm mùa khô từ tháng 7 đến tháng 10’ và do ‘tình trạng nóng lên toàn cầu khiến nhiều nơi bị nóng trong khi nhiều nơi khác bị lụt’.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, theo ông Truyết, là do nạn phá rừng để lấy đất trồng trọt của người dân Brazil được sự hậu thuẫn của Tổng thống Bolsonaro.
“Những lời nói của ông Bolsonaro là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng,” ông Truyết nói. “Ông ấy đã khuyến khích sự phát quang, đốn rừng, dung túng một số công ty khai thác gỗ phá rừng lấy đất.”
“Các nhà sản xuất nhỏ đốt gốc ra sau thu hoạch còn nhũng người chiếm đoạt bất hợp pháp đốt rừng để tăng diện tích canh tác trong khi ông Bolsonaro dung túng cho tình trạng này bằng cách giảm thuế cho các công ty đốn gỗ,” ông nói thêm.
Khi được hỏi có sự trùng hợp nào không khi ông Bolsonaro vừa lên làm Tổng thống thì rừng Amazon bị cháy dữ dội nhất, ông Truyết cho rằng ông Bolsonaro vừa nhậm chức nên ‘đưa ra một số chính sách để thỏa mãn một số yêu cầu của các công ty, tạo ra sự kích hoạt kinh tế’.
Ông lưu ý rằng trước ngày 23/8, tức trước khi hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp lên tiếng về nạn cháy rừng Amazon, Brazil ‘chỉ dập lửa ở quy mô nhỏ, mang tính cục bộ địa phương’.
“Cháy rừng đầu tháng 7 mà bây giờ mới bắt đầu huy động quân đội, máy bay để chữa cháy,” ông Truyết nói và nhận định rằng ông Bolsonaro làm vậy chỉ vì ‘phải chịu áp lực quốc tế mà thôi.’
“Tôi nghi ngờ thiện chí của ông Bolsonaro. Ông ấy sử dụng quyền lực để tạo lợi ích kinh tế, tạo vây cánh để hỗ trợ quyền lực của mình trong những ngày sắp tới,” ông phân tích.
Trả lời câu hỏi liệu nhu cầu lấy thêm đất trồng trọt để phát triển kinh tế có chính đáng khiến Brazil phải phá rừng, ông Truyết cho rằng thay vì đi vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, Brazil nên ‘tiến lên phát triển nông nghiệp và dịch vụ’ trong khi họ đã là ‘quốc gia sử dụng đất nông nghiệp nhiều nhất trên thế giới’.
“Phá rừng để phát triển nông nghiệp không phải là con đường phát triển đúng đắn vì nó không đem lại lợi ích kinh tế nhiều,” ông nói.
Về lập luận của Tổng thống Bolsonaro là không muốn các nước bên ngoài can thiệp vào rừng Amazon và coi việc khối G7 bàn đến điều này là ‘thái độ thực dân’, ông Truyết cho rằng ‘tất cả các nước đều liên đới’ trong thảm họa cháy rừng này.
“Việc không cho động chạm đến chủ quyền quốc gia và không cần sự giúp đỡ của các nước lân cận là không thể xảy ra trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay,” ông nói.
“Cháy rừng Amazon không chỉ là vấn đề của Brazil mà còn là của thế giới vì nó làm cho lượng oxy thế giới suy giảm cho nên cần sự tham gia giải quyết của các nước, của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cả các cá nhân trên thế giới,” Tiến sĩ Truyết khuyến cáo.
Ông cho rằng bên cạnh viện trợ bằng tiền (khối G7 đã tuyên bố hỗ trợ 22 triệu đô la Mỹ nhưng Tổng thống Brazil ban đầu khước từ), thế giới cần ‘viện trợ kỹ thuật, quân sự để hỗ trợ chống cháy rừng’.
'Rừng sẽ hồi sinh'
Khi được hỏi về lập trường của Mỹ, nhất là của Tổng thống Donald Trump vốn không lên tiếng gì về vụ cháy rừng trong khi khen ngợi người đồng cấp Brazil về cách xử lý đám cháy, ông Truyết nói “Ông Trump đang ve vãn Brazil ký hiệp định kinh tế với Mỹ,” và lưu ý rằng bản thân ông Trump ‘đã phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu đang xảy ra’.
“Mỹ cần thực tâm hơn nữa chia sẻ sức mạnh kinh tế để giúp thâu ngắn tiến trình cháy lan ở Amazon vì biến đổi khí hậu tác động đến toàn thế giới, trong đó có Mỹ,” nhà môi trường này kêu gọi.
Về khả năng dập tắt đám cháy, ông Truyết nói hiện giờ vùng Amazon sắp bước vào mùa mưa và mưa nhiệt đới có thể kéo dài 3,4 ngày liên tiếp. Như vậy, theo ông, “trong vòng 15 ngày tới thì chữa cháy không còn cần thiết nữa vì mưa sẽ dập tắt.”
Ông Truyết cũng tin rằng rừng Amazon sau vụ cháy ‘sẽ hồi phục trở lại’.
“Sau mỗi đợt cháy rừng đất sẽ được chuyển hóa, được nghỉ ngơi… Những mầm cây vẫn còn và rừng sẽ tái sinh trở lại.”
Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh thảm họa cháy rừng tái diễn ở Amazon, ông Truyết nói chính phủ Brazil ‘phải làm sao để nông dân không đốt rừng nữa, làm sao để cải thiện sinh kế cho người dân, tạo công ăn việc làm cho họ’.
“Brazil cần sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới hay các quốc gia tân tiến để giải quyết nạn thất nghiệp, giải tỏa bớt lực lượng nông dân,” ông nói thêm.