Đường dẫn truy cập

Chính sách di dân thời Biden sẽ ‘dễ hơn’ so với thời Trump?


Các di dân tại một buổi lễ tuyên thệ nhập tịch Mỹ ở New York
Các di dân tại một buổi lễ tuyên thệ nhập tịch Mỹ ở New York

Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ nới lỏng những chính sách di dân ngặt nghèo của chính quyền Trump chẳng hạn như tăng số người được tị nạn, bãi bỏ quy định về gánh nặng xã hội hay giảm yêu cầu về mức lương đối với lao động có trình độ, một luật sư về di trú nhận định với VOA.

Trong bốn năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi cơ bản hệ thống cấp thị thực đến Hoa Kỳ, phần lớn thông qua các bản ghi nhớ chính sách và hướng dẫn nội bộ mà không cần sự cho phép của Quốc hội. Kết quả là việc cấp thị thực nhập cư đã giảm hơn 17% từ năm tài chính 2016 đến năm tài chính 2019, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch đảo ngược nhiều, nếu không phải tất cả, các chính sách di dân của chính quyền Trump vốn được cho là đã làm giảm dòng người nhập cư đến Mỹ, nhằm đưa mọi thứ trở lại như trước đây.

Trong số các hứa hẹn thay đổi, ông Biden đã cam kết sẽ cải thiện tiến trình nhập tịch để tạo điều kiện nhập tịch cho những người có thẻ xanh hội đủ điều kiện và hỗ trợ việc di trú theo diện gia đình bảo lãnh. Ông cũng cho biết ông muốn duy trì Chương trình Di dân Đa dạng, còn được biết đến là chương trình xổ số thẻ xanh.

Sẽ bỏ nhiều quy định?

Ông Biden cũng từng hứa sẽ thay đổi chính sách về gánh nặng xã hội mà theo đó nhưng ai đang được hưởng trợ cấp của Mỹ sẽ không được xem xét cấp thẻ xanh, cũng như các quy định gây khó khăn cho visa H1B ‘trong vòng 100 ngày đầu tiên,’ luật sư di trú Khanh Phạm từ Houston, bang Texas, cho biết.

“Cộng đồng người Việt rất lo về quy định gánh nặng xã hội vì họ sợ sau này họ bảo lãnh bố mẹ qua họ sẽ cần phải chứng minh là bố mẹ họ không xin trợ cấp hay gì đó,” luật sư Khanh nói với VOA.

Còn về quy định của chính quyền Trump đòi các công ty Mỹ thuê mướn nhân lực nước ngoài có trình độ cao, theo visa H1B, phải trả mức lương gấp đôi so với mức thị trường – vốn khiến các công ty Mỹ không muốn thuê người nước ngoài nữa, ông Biden cũng đã hứa sẽ ‘đưa yêu cầu về mức lương này về mức cũ’.

“Ngay trong lúc này những người có visa H1B rất sợ vì họ nghĩ rằng nếu quy định này được đi tới mà ông Biden không thay đổi thì họ sẽ mất việc vì công ty Mỹ không thể duy trì họ được lâu dài,” luật sư Khanh cho biết.

Thay đổi thấy rõ nhất, vị luật sư này nhận định, là việc xin tị nạn sẽ dễ hơn so với dưới thời Trump vì con số tị nạn được nước Mỹ chấp nhận mỗi năm hoàn toàn do Tổng thống đương nhiệm quy định. “Ông Trump đã giảm con số đó rất nhiều và tạo áp lực để người ta không xin tị nạn được, nhưng ông Biden đã nói là ông sẽ mở lại biên giới như cũ cho những người xin tị nạn,” ông Khanh nói thêm.

Luật sư Khanh cho biết trong bốn năm qua, những người xin tị nạn từ Việt Nam ‘rất là kẹt’ vì họ không thể đi theo con đường cũ và cũng gặp khó khăn trong con đường xin tị nạn qua biên giới Mexico.

Tuy nhiên, lời hứa của ông Biden là mở đường cho những di dân không có giấy tờ ở Mỹ thành công dân hợp pháp, ông Khanh cho là ‘không khả thi’ vì ‘sắc lệnh của Tổng thống không thể làm được điều này mà phải có luật của Quốc hội thông qua’.

“Chỉ có thể làm như ông Obama ngày xưa là cho hợp pháp hóa tạm thời như chương trình DACA,” ông phân tích.

“Theo những gì ông Biden đã nói và những người ông đã đề cử cho các chức vụ về di trú thì tôi nghĩ rằng trong tương lai chính sách di trú của ông Biden sẽ rất là dễ,” luật sư di trú Khanh Phạm dự đoán và chỉ ra việc đề cử của ông Biden cho chức Bộ trưởng An ninh Nội địa, ông Alejandro Mayorkas, là người ‘rất ủng hộ di dân’.

Luật sư Khanh cho biết nếu ông Biden ra sắc lệnh hành pháp để đảo lại các sắc lệnh của ông Trump thì nó ‘sẽ có hiệu lực ngay’. Nhưng trong thời gian từ bây giờ đến đó, các quy định di trú của chính quyền Trump vẫn còn đang hiệu lực.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết gia hạn và mở rộng chương trình DACA, tức bảo vệ các di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ khỏi bị trục xuất, nâng giới hạn người tị nạn lên bảy lần, lên 125.000 người mỗi năm, và ngay lập tức ngưng xây bức tường biên giới trị giá 15 tỷ USD của ông Trump. Ông Biden cũng đã hứa sẽ cải tổ hệ thống tị nạn của đất nước.

Thủ tục nhiêu khê

Theo thống kê của Washington Post, chính quyền Trump đã cấp ít thị thực tạm thời hơn, bao gồm những thị thực duhọc, du lịch và làm việc. Ba năm trước khi đại dịch xảy ra, số visa này đã giảm 16%, xuống còn 8,7 triệu thị thực. Trong năm tài chính 2020, con số đó giảm hơn một nửa.

Việc cấp thị thực nhập cư sụt giảm đáng chú ý nhất dưới thời chính quyền Trump là ở những nước mà Trump công khai miệt thị hoặc nhắm vào.

Ví dụ, người Haiti, đất nước mà ông Trump phỉ báng, nhận được ít hơn 67% thị thực nhập cư từ năm 2016 đến năm 2019. Người Trung Quốc đại lục - đất nước bị ông Trump đổ lỗi cho những khó khăn kinh tế của Mỹ và đại dịch virus corona - đã bị giảm 35% thị thực nhập cư trong cùng thời gian đó. Người dân Iran, vốn nằm trong số các nước bị áplệnh cấm đi lại của chính quyền Trump, nhận được ít hơn gần 80% thị thực nhập cư.

Ý tưởng mới của ông Biden - tăng tổng số thị thực nhập cư theo công việc, cải cách thị thực lao động tay nghề cao được gọi là H1-B, mở rộng các con đường trở thành công dân cho các lao động nông nghiệp dài hạn và cho phép các thành phố kiến nghị với chính phủ liên bang cho họ được tiếp nhận di dân cao để đẩy mạnh tăng trưởng - có lẽ sẽ phải chờ đợi và cần sự hợp tác của lưỡng đảng.

Nhưng trước tiên, chính quyền Biden sẽ phải tìm cách làm sao cho thủ tục giấy tờ trôi chảy trở lại. Thời gian xử lý và xét duyệt thị thực, nhất là đối với công dân châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, đã chậm lại kể từ khi Trump nhậm chức do những thay đổi mà các quan chức chính quyền cho là cần thiết để kiểm tra đầy đủ hơn.

Các luật sư di trú cho biết các thủ tục mà chính quyền Trump đề ra thêm, mà họ nói rằng bao gồm ‘yêu cầu bằng chứng’ hoặc bổ sung giấy tờ thường xuyên, cũng như thêm nhiều đòi hỏi phỏng vấn hơn, tạo ra sự quan liêu không cần thiết mà không có tác động chứng minh được về an toàn. Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cũng đã tăng phí xử lý và phải vật lộn với tình trạng thiếu ngân sách, đồng thời lượng hồ sơ tồn đọng đã kéo dài đáng kể.

Một số thay đổi sẽ cần có bản ghi nhớ hướng dẫn nội bộ mới, nhưng một số thay đổi khác sẽ cần các quy định mới để thay thế quy định cũ - một quy trình kéo dài hàng tháng để có thời gian cho công chúng góp ý.

“Chính quyền Trump đã gây quá nhiều khó khăn cho những người có thẻ xanh đủ điều kiện để vào quốc tịch,” trang web của ban vận động tranh cử của ông Biden viết. “Ông Biden sẽ khôi phục niềm tin vào quy trình nhập quốc tịch bằng cách loại bỏ các rào cản, giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ bằng cách ưu tiên quá trình phán quyết và đảm bảo các đơn được xử lý nhanh chóng, đồng thời bác bỏ việc áp đặt các khoản phí bất hợp lý.”

USCIS dưới thời ông Trump đã chuyển đổi từ một cơ quan được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cư, làm việc và du lịch đến Mỹ sang tập trung vào không cho người bên ngoài vào Mỹ.

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã chỉ ra rằng chính sách nhập cư có thể vẫn là trọng tâm của Bộ An ninh Nội địa dưới thời ông Alejandro Mayorkas, người được ông Biden đề cử là bộ trưởng. Ông Mayorkas, con của người tị nạn Cuba gốc Do Thái, sẽ là người nhập cư đầu tiên và là người Mỹ gốc Latin đầu tiên lãnh đạo cơ quan này. Ông từng là lãnh đạo USCIS và là một trong những người tạo ra chính sách DACA.

Việc ông Mayorkas được đề cử là dấu hiệu cho thấy ông Biden đang tìm kiếm một Giám đốc An ninh Nội địa quen thuộc với chính trị đảng phái về chính sách di dân nhưng cũng là người coi dân nhập cư là đem lại lợi ích cho nước Mỹ- quan điểm hoàn toàn đối lập với ông Trump.

VOA Express

XS
SM
MD
LG