Ngày 27/10, các chính phủ Châu Âu ban hành những hạn chế mới trong nỗ lực chế ngự COVID đang gia tăng nhanh chóng và cung cấp các phương thức để giúp doanh nghiệp sống còn trong đại dịch.
Các nhà lãnh đạo thế giới đối mặt với nhiệm vụ ngày càng khó khăn là kìm hãm dịch bệnh trong khi giữ nền kinh tế không suy sụp và hy vọng vào vaccine chưa chứng tỏ thành công.
“Chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh gia tăng theo cấp số nhân,” Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói trong một hội nghị kinh tế trực tuyến Đức-Pháp tại Berlin. “Tại Đức con số lây nhiễm mới tăng từ 70 đến 75% so với tuần trước.”
Mỹ, Nga, Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và những nước khác ghi nhận con số lây nhiễm kỷ lục trong những ngày gần đây vào lúc Bắc Bán Cầu đang bước vào mùa đông và mọi quan hệ xã hội trong không gian kín với nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Hơn 43,4 triệu người lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới và 1.158.056 người chết, theo số liệu của Reuters. Mỹ đứng đầu con số lây nhiễm và tử vong.
Hàng trăm người biểu tình đổ ra đường phố nước Ý ngày 26/10 để biểu lộ sự giận giữ đối với vòng hạn chế mới nhất, trong đó có việc đóng cửa sớm các quán rượu và tiệm ăn. Một số cuộc biểu tình tại một số thành phố trở nên bạo động.
Tại thủ đô tài chánh Milan, Ý, những người trẻ ném bom xăng vào cảnh sát và cảnh sát đáp trả bằng lựu đạn cay. Tại Turin gần đó, các cửa hàng sang trọng bị đập vỡ cửa kính và một số bị cướp phá, khiến cho 10 người bạo loạn bị bắt.
Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cảnh báo đất nước chuẩn bị cho “những quyết định khó khăn” sau khi một số hạn chế nghiêm ngặt hiện áp dụng tại Châu Âu thất bại trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chính phủ Czech sẽ yêu cầu các nhà lập pháp gia hạn quyền lực khẩn cấp cho đến ngày 3/12, Thủ tướng Andrej Babis loan báo hôm 27/10 trong lúc chính phủ nỗ lực chặn đứng một trong những đà tăng lây nhiễm mạnh mẽ nhất tại Châu Âu.
Cho tới nay có ít nhất 8,54 triệu ca lây nhiễm và 251.000 người chết vì virus corona được báo cáo tại Châu Âu, theo dữ liệu của Reuters. Lục địa này ghi nhận 230.892 ca hôm 26/10, số cao kỷ lục.
Nga báo cáo 1,55 triệu ca nhiễm COVID, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Nhà chức trách ra lệnh cho dân chúng mang khẩu trang tại một số nơi công cộng và yêu cầu các chính quyền địa phương cứu xét đóng cửa các quán rượu và tiệm ăn trong đêm.
Các ca lây nhiễm mới tại Bỉ, trong số những nước chịu tác hại nặng nề nhất Châu Âu, vượt trên 18.000 hôm 20/10, gia tăng gần gấp 10 lần điểm cao của đợt đại dịch mùa xuân.
Ngay cả nước Đức, được ca ngợi rộng rãi về đáp ứng thoạt tiên với đại dịch, cũng có dấu hiệu lo ngại vào ngày 27/10 về lây nhiễm gia tăng. Bộ trưởng kinh tế Altmaier nói nước Đức chắc chắn sẽ lên tới 20.000 ca một ngày vào cuối tuần này.
La Rioja, vùng sản xuất rượu vang của Tây Ban Nha ra lệnh đóng cửa tiệm ăn và quán rượu tại hai thị trấn lớn nhất trong 1 tháng. Một lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã được áp dụng kể từ ngày 25/10.
Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm và đồng đô la Mỹ xuống dốc hôm 27/10 khi các nhà đầu tư chật vật vì đại dịch COVID tăng và không chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Tại Mỹ, con số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng cao trong 2 tháng, làm căng thẳng hệ thống y tế tại một số tiểu bang. Số tử vong tại Mỹ dẫn dầu thế giới với hơn 225.300 người.
Illinois xuất hiện như một điểm nóng trong những tuần lễ gần đây, báo cáo hơn 31.000 ca mới trong 7 ngày qua, nhiều ca mới hơn bất cứ tiểu bang nào khác trừ Texas.
Những tiểu bang khác rút lại kế hoạch tái mở cửa để ngăn chặn virus lây lan vào lúc thời tiết lạnh đang đến trên toàn quốc.
Ngày 26/10, Thống đốc Idaho loan báo những cuộc tập họp trong không gian kín hơn 50 người bị cấm.
Thành phố El Paso, Texas, cũng đối mặt với những ca gia tăng làm các bệnh viện địa phương quá tải và các giới chức phải thiết lập những cơ sở thay thế để giúp giải tỏa các trung tâm y tế.
Pennsylvania một tiểu bang chiến trường tranh chấp nóng bỏng trong cuộc bầu cử tuần tới, ngày 27/10 báo cáo kỷ lục về những ca virus corona mới.
Trong khi đó một cuộc nghiên cứu của Trường đại học Hoàng gia London phát hiện mức kháng thể chống COVID suy giảm nhanh chóng trong dân số Anh hồi mùa hè, cho thấy sự bảo vệ sau lây nhiễm có thể không kéo dài. Các bệnh nhân bình phục cũng có thể bị suy não, các nhà nghiên cứu cảnh báo.