Bắt đầu từ cú hích của ông Phó Chủ tịch quận I ở Sài Gòn, phong trào đập hành lang lấy vỉa hè cho người đi bộ lan rộng cả nước và bắt đầu thành cao trào.
Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng không nằm ngoại lệ. Suốt một tháng nay, tiếng búa đập, tiếng máy đục, máy cưa vang khắp phố phường. Hình ảnh các nhân viên công an, dân phòng cùng các cộng sự của họ với tay búa tay đập, chỉ đông chỉ tây, dường như trở nên quen thuộc với người dân.
Ông Võ Hồng Sơn, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, nói với VOA: “Chú làm cái nhà này có xin giấy phép xây dựng, theo như chỉ giới thì mình làm ra có bị ra 30 phân nên phải đập. Nhưng bên kia, xây dựng không vượt qua chỉ giới nhưng vẫn bị đập.”
Hệ quả của việc dọn dẹp lề đường này là lề đường có phần thông thoáng hơn trước. Nhiều gia đình phải tự chế trở lại bậc tam cấp và đường dẫn cho xe máy, xe hơi. Phố phường ban đầu có phần nham nhở, lở lói và đi đâu cũng thấy xà bần, gạch nát. Những người bán hàng rong tứ tán, hoàn toàn vắng bóng trên các con phố. Những người bán cà phê vỉa hè phải co cụm hết mức để có thể để trụ lại chỗ kiếm cơm. Một vấn đề gây bức xúc là dường như chưa có sự đồng thuận từ phía người dân và trong quá trình dẹp lề đường, cơ quan chức năng đã đập phạm vào diện tích thuộc chủ quyền của người dân.
Bà Lê Thị Bảy, cán bộ Sở Lao Động, Thương Binh & Xã Hội tỉnh Quảng Bình, chia sẻ VOA: “Tôi nói thật là mình làm vì dân. Mục tiêu của việc này cũng là vì dân nên trước khi làm phải họp dân, bởi nếu thông qua dân, tư tưởng thông thì cái gì cũng được hết, nếu chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ tự sửa. Nhưng ở đây không họp dân, lại đến đập phá tự nhiên nên dân rất bức xúc. Như đường kẻ đường đậu ô tô, lý ra nó nên kẻ sát đường một tý, đường cho người đi bộ hẹp vào một chút nữa. Như thế là bất hợp lý.”
Còn một vấn đề khác mà người dân trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hết sức bức xúc là cả một con phố dài, nhà nào cũng bị đập theo tỉ lệ và qui cách của cơ quan chức năng. Riêng hai căn nhà số 189 và 191 trên đường này lại được bỏ qua vì chủ nhân của nó là những quan chức cấp cao của tỉnh. Điều này cho thấy việc đối xử giữa người dân không có quyền lực với kẻ có quyền thế có sự khác biệt rõ ràng. Người dân thắc mắc tại sao cả con đường bị đập trước, đập sau, chỉ chừa lại đúng hai căn nhà của quan chức cấp cao?
Và cũng như nhiều nơi, câu hỏi đặt ra ở đây là người dân có đồng thuận và tìm thấy sự hợp lý trong kiểu dọn dẹp như bão lốc của cơ quan chức năng?