Đường dẫn truy cập

Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn, hãng Trung Quốc vẫn đòi thêm nghìn tỉ đồng


Tuyến Cát Linh-Hà Đông do TQ xây ở Hà Nội chậm tiến độ đến 6 năm rưỡi
Tuyến Cát Linh-Hà Đông do TQ xây ở Hà Nội chậm tiến độ đến 6 năm rưỡi

Tổng thầu Trung Quốc mới đây yêu cầu phía Việt Nam trả thêm 50 triệu đô la, tức gần 1.200 tỉ đồng, để “vận hành hệ thống” tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tai tiếng, theo một báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi quốc hội hôm 27/5, được báo chí trong nước dẫn lại.

Phản ứng chính thức mới nhất của phía Việt Nam là “không xem xét” đề nghị kể trên của nhà thầu Trung Quốc, một thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải được Thanh Niên, Người Lao Động, VNExpress trích lời cho hay hôm 2/6.

Theo tìm hiểu của VOA, dự án dài 13 kilomet này ở Hà Nội ban đầu dự kiến được xây dựng từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu đô la, gồm một phần vốn của chính phủ Việt Nam kết hợp với vốn vay viện trợ phát triển (ODA) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ tới 6 năm rưỡi, và đội vốn lên hơn gấp đôi nếu tính bằng tiền đồng Việt Nam, hoặc gấp rưỡi nếu tính bằng đô la Mỹ.

Trong thời gian tới, trung bình một năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, theo thông tin do Bộ Tài chính Việt Nam công bố hồi đầu năm 2018.

Tin tức hôm 1/6 của Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VTC và một số báo khác dẫn lại báo cáo của chính phủ nói tổng thầu Trung Quốc “đòi rót thêm” 50 triệu đô la để vận hành hệ thống tuyến Cát Linh-Hà Đông và số tiền đó “phải được thanh toán toàn bộ” trước khi bàn giao dự án.

Nhà thầu Trung Quốc đưa ra đề nghị kể trên khi họ họp trực tuyến với chủ đầu tư Việt Nam hồi đầu tháng 5 để giải quyết công việc của dự án.

Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết đến nay dự án đã “cơ bản hoàn thành” về xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Mặc dù vậy, mới chỉ có 2/5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản, gồm đường ray và cầu cạn, đã được nghiệm thu. Ba hạng mục công trình còn lại vẫn “chưa đủ điều kiện nghiệm thu” và còn đang được tổng thầu “chỉnh sửa và khắc phục”, theo báo cáo của chính phủ, được báo chí trong nước dẫn lại.

Ở thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án đang có vướng mắc trong việc đưa chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam để tiếp tục triển khai dự án, báo cáo của chính phủ cho biết.

Vẫn dẫn báo cáo, các bản tin nói rằng đến nay, chủ đầu tư Việt Nam đã thanh toán cho tổng thầu Trung Quốc khoảng 80% giá trị hợp đồng, phần còn lại là khoảng 20%, tương đương hơn 130 triệu đô la.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)

Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho báo chí biết hôm 2/6 rằng bộ của ông “không xem xét” đề nghị của phía Trung Quốc về thanh toán 50 triệu đô la cho việc chạy thử tàu toàn tuyến để nghiệm thu, Thanh Niên, VNExpress và một số báo khác tường thuật.

Lý do chính mà Thứ trưởng Đông đưa ra là phía Việt Nam đã thực hiện các mốc thanh toán cho dự án Cát Linh-Hà Đông đúng như được quy định trong hợp đồng. Vì vậy, đề nghị mới của tổng thầu Trung Quốc, dù thể hiện bằng lời nói hay văn bản sẽ đều “không được xem xét do trái quy định hợp đồng”, ông Đông khẳng định.

Quan chức lãnh đạo Bộ GT-VT được trích lời nói rằng: "Nếu tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này thì cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm quyết toán khoản tiền đó".

Theo quan sát của VOA, trong hai ngày nay, khi biết tin nhà thầu Trung Quốc đòi thanh toán khoản tiền 50 triệu đô la, nhiều người dân Việt Nam bày tỏ bất bình trên mạng xã hội với hàng loạt bài đăng trên các trang cá nhân, cũng như trong hai diễn đàn có tới 300.000 thành viên là Góc nhìn Báo chí - Công dân và Bàn luận về Kinh tế - Chính trị.

VOA nhận thấy phần lớn các ý kiến đều chỉ trích giới chức Việt Nam yếu kém khi không giám sát, quản lý được nhà thầu Trung Quốc. Đồng thời, dư luận cũng lo ngại rằng dự án Cát Linh-Hà Đông là một “bẫy nợ” của Trung Quốc mà Việt Nam đã bị rơi vào. Nhiều người so sánh dự án như một khúc xương mà Việt Nam bị hóc, không thể nuốt trôi.

Nhà báo Hoàng Hải Vân viết trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 100.000 người theo dõi rằng công trình “dở dang vẫn nằm trơ giữa thủ đô Hà Nội” là một sự “thách thức lương tri, thách thức tổ tiên nòi giống”, và ông chất vấn vì sao chưa một ai phải “chịu trách nhiệm” trước đảng cộng sản cầm quyền và quốc hội.

“Những quan chức tham mưu, những quan chức dắt mối, những quan chức ký hiệp định vay vốn, những quan chức tổ chức thực hiện (một số người có thể còn ăn chia với nó [Trung Quốc]), những quan chức giám sát dự án giỡn mặt nhân dân hơi lâu rồi đó”, ông Hoàng Hải Vân đưa ra lời bình luận.

VOA Express

XS
SM
MD
LG