Trong một báo cáo quan trọng được đưa ra sau vụ người Mỹ gốc Phi George Floyd bị giết ở Hoa Kỳ, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ kêu gọi các quốc gia trên thế giới làm nhiều hơn nữa để giúp chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người gốc Phi và có sự bù đắp cho họ, bao gồm cả việc bồi thường, theo AP.
Báo cáo của bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đưa ra một cái nhìn sâu sắc về cội nguồn của sự ngược đãi hàng thế kỷ mà người châu Phi và những người gốc Phi phải đối mặt, đặc biệt là từ nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Báo cáo mưu tìm một cách tiếp cận “tạo ra thay đổi” để giải quyết ảnh hưởng của vấn đề đó hiện vẫn đang diễn ra ngày nay.
“Giờ đây có một cơ hội quan trọng để đạt được bước ngoặt đối với bình đẳng chủng tộc và công lý”, AP dẫn báo cáo viết.
Báo cáo nhằm mục đích thúc đẩy tăng tốc hành động của các quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng bất công về chủng tộc, chấm dứt việc miễn tội đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát, đảm bảo rằng những người gốc Phi và những người lên tiếng chống phân biệt chủng tộc được lắng nghe, và các quốc gia nhìn thẳng vào những sai trái trong quá khứ thông qua việc chịu trách nhiệm và khắc phục.
“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ngừng phủ nhận - và bắt đầu xóa bỏ - tình trạng phân biệt chủng tộc, chấm dứt miễn tội và xây dựng lòng tin, lắng nghe tiếng nói của những người gốc Phi, và đối mặt với những di sản trong quá khứ và khắc phục hậu quả”, AP dẫn lời bà Bachelet nói trong một tuyên bố bằng video.
Bà Bachelet cho rằng việc chỉ bồi thường bằng tiền là không đủ, mà đây chỉ là một phần của một loạt các biện pháp nhằm sửa chữa hoặc bù đắp cho những bất công.
“Việc bồi thường không nên chỉ đánh đồng với bồi thường tài chính”, bà Bachelet nói, đồng thời thêm rằng cần phải có bồi thường, thừa nhận bất công, xin lỗi, tưởng niệm, cải cách giáo dục và “đảm bảo” rằng những bất công như vậy sẽ không xảy ra nữa.
Bà Bachelet, cựu tổng thống Chile, cũng ca ngợi nỗ lực của các nhóm vận động như phong trào Black Lives Matter, nói rằng họ đã giúp cho lãnh đạo cấp cơ sở qua việc lắng nghe cộng đồng và họ nên nhận được “sự tài trợ, công nhận và hỗ trợ của công chúng”.
Hội đồng Nhân quyền của LHQ được uỷ nhiệm làm báo cáo trong một phiên họp đặc biệt hồi năm ngoái sau vụ ông Floyd, một người Mỹ da đen bị một cảnh sát da trắng giết ở Minneapolis vào tháng 5 năm 2020.
Sĩ quan Derek Chauvin, người gây ra cái chết của ông Floyd, vừa bị kết án 22,5 năm tù vào tuần trước.