Cảnh sát Myanmar phát động cuộc trấn áp rộng lớn nhất suốt ba tuần biểu tình toàn quốc chống lại chế độ quân sự vào ngày thứ Bảy, bắt giữ hàng trăm người và bắn bị thương ít nhất một người, Reuters đưa tin.
Truyền hình nhà nước loan tin đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Myanmar đã bị sa thải vì phản bội đất nước, một ngày sau khi ông thúc giục Liên Hiệp Quốc sử dụng “bất cứ phương tiện nào cần thiết” nào để đảo ngược cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đã lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội chiếm quyền và bắt giam bà Suu Kyi và phần lớn những người lãnh đạo đảng của bà, với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà giành thắng lợi áp đảo.
Cuộc đảo chính, làm chững lại tiến trình hướng tới dân chủ của Myanmar, đã khiến hàng trăm ngàn người biểu tình xuống đường phản đối và bị các nước phương Tây lên án, với một số nước áp đặt chế tài.
Cảnh sát ồ ạt ra quân vào sáng ngày thứ Bảy, vào vị trí tại các địa điểm biểu tình thường lệ ở thành phố chính Yangon, Reuters cho biết.
Các vụ đối đầu gia tăng khi người dân đổ ra đường bất chấp hoạt động của cảnh sát, hô khẩu hiệu và ca hát. Họ phân tán vào các ngõ ngách và tòa nhà bên cạnh khi cảnh sát tiến lên, bắn hơi cay, ném lựu đạn gây choáng và bắn súng lên không trung. Cảnh sát đánh đập một số người bằng dùi cui, những người mục kích cho biết.
Đài truyền hình MRTV của nhà nước nói hơn 470 người đã bị bắt trên khắp cả nước. Đài nói cảnh sát đã đưa ra cảnh báo trước khi giải tán mọi người bằng lựu đạn gây choáng.
Một người phụ nữ bị bắn và bị thương ở thành phố miền trung Monwya, cơ quan truyền thông địa phương 7Day và một một nhân viên cấp cứu cho biết.
Lãnh đạo chế độ quân sự, Tướng Min Aung Hlaing nói nhà chức trách vẫn sử dụng vũ lực tối thiểu. Tuy nhiên, ít nhất ba người biểu tình đã chết trong những ngày hỗn loạn. Quân đội cho biết một cảnh sát thiệt mạng trong vụ bất ổn.
Các nhà hoạt động kêu gọi tổ chức một ngày biểu tình nữa vào Chủ nhật.
Bạo lực hôm thứ Bảy xảy ra một ngày sau khi Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng ông đang phát biểu thay mặt chính phủ của bà Suu Kyi và kêu gọi sự giúp đỡ để chấm dứt cuộc đảo chính quân sự.
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Tom Andrews nói ông xúc động vì “hành động can đảm” của vị đại sứ, đồng thời nói thêm trên Twitter “đã đến lúc thế giới nên đáp lại lời kêu gọi can đảm đó bằng hành động.”
Đại sứ của Trung Quốc không chỉ trích cuộc đảo chính và nói rằng tình hình này là việc nội bộ của Myanmar, nói thêm rằng Trung Quốc ủng hộ một nỗ lực ngoại giao của các nước Đông Nam Á tìm kiếm giải pháp.