Giới hữu trách Hồng Kông hôm nay đã bắt giữ hai nhân vật lãnh đạo của phong trào biểu tình đòi dân chủ trong lúc cảnh sát bắt đầu tháo dỡ thêm một địa điểm biểu tình. Thông tín viên Shannon Van Sant đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.
Hôm nay cảnh sát đã bắt Joshua Wong và Lester Shum, hai trong số những người lãnh đạo cuộc biểu tình Chiếm Trung. Phong trào này đã ngăn chận một số đường phố ở Hồng Kông từ hai tháng nay.
Cảnh sát cũng bắt đầu tháo dỡ một trong các địa điểm biểu tình chính ở khu Mong Kok.
Pa Sha, một trong những người tham gia cuộc biểu tình ngồi lỳ ngay từ lúc đầu, cho biết như sau:
"Sự thô bạo và sự thiệt hại đối với những người biểu tình trên thực tế còn cao hơn nhiều. Có rất nhiều trường hợp cảnh sát tấn công và gây thương tích cho người biểu tình. Sự thô bạo của cảnh sát rất dễ nhận thấy."
Tại khu Mong Kok, cảnh sát đã dựa trên một án lệnh của tòa để dọn sạch khu vực Đường Argyle. Những vụ đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra suốt đêm thứ ba và khoảng 80 công nhân đã bắt đầu tháo dỡ những rào cản chận đường trong khu này vào sáng sớm thứ Tư.
Các công nhân đó và cảnh sát thoạt đầu đã gặp phải sự chống cự của những người biểu tình, những người hô to khẩu hiệu đòi “dân chủ đầy đủ” cho Hồng Kông. Cảnh sát đã dùng sức mạnh lôi người biểu tình đi nơi khác và bắt giữ những người chống cự.
Hồi tháng 10, Mong Kok là nơi xảy ra những vụ bạo động giữa người biểu tình với những tay côn đồ tấn công họ. Sau đó cảnh sát nói rằng những tay côn đồ đó là người của những băng đảng tội phạm.
Những hành động dọn sạch địa điểm biểu tình ở Mong Kok hôm thứ Tư đã gây phẫn nộ cho những người biểu tình, như anh Roland. Anh nói:
"Tôi không biết họ là ai. Có lẽ họ được chính quyền thuê để dọn dẹp. Nhưng tôi muốn khẳng định rằng khu vực chiếm cứ này là một sự bày tỏ ý nguyện của người dân. Chính phủ không nên làm như vậy."
Dư luận Hồng Kông có ý kiến bất đồng về cuộc biểu tình. Nhiều cư dân nói rằng những cuộc biểu tình, ngăn chận đường sá và gây thiệt hại cho công việc làm ăn các cửa tiệm ở gần đó, đã tác động tới nền kinh tế Hồng Kông. Giới lãnh đạo phong trào Chiếm Trung cũng có sự chia rẽ giữa những người chủ trương ôn hòa và những người muốn có hành động kịch liệt hơn.
Pa Sha cho biết trong lúc phe biểu tình chia rẽ thì lập trường của chính phủ lại rất rõ ràng:
"Tôi nghĩ rằng chính phủ đang tim bắt giữ những nhân vật lãnh đạo để tìm cách phá vỡ phong trào này một cách triệt để và để chứng tỏ một lập trường rất cứng rắn đối với phong trào này."
Những người biểu tình đòi chính quyền tổ chức cuộc bầu cử trực tiếp để chọn người đứng đầu chính phủ Hồng Kông. Hồi cuối tháng 8, chính phủ trung ương ở Bắc Kinh tuyên bố các ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2017 để bầu trưởng quan hành chánh Hồng Kông phải có sự chấp thuận của một ủy ban mà hầu hết thành viên là những người trung thành với Bắc Kinh.