Cảnh sát Cuba đổ ra đường phố vào lúc Chủ tịch nước cáo buộc người Mỹ gốc Cuba dùng truyền thông xã hội khấy động những cuộc biểu tình hiếm hoi vào cuối tuần để phản đối giá cao và nạn khan hiếm thực phẩm.
Các cuộc biểu tình tại một vài thành phố và thị trấn là biểu lộ tình cảm chống chính phủ lớn nhất trong nhiều năm tại Cuba bị kiểm soát chặt chẽ, hiện đang đối mặt với các ca virus corona tăng mạnh giữa lúc nước này chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất trong nhiều thập niên, hậu quả của những chế tài của Mỹ được chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt.
Nhiều người trẻ tham gia cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 11/7 tại Havana. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại những nơi khác trên đảo, trong đó có thị trấn nhỏ San Antonio de los Baños, nơi người dân phản đối nạn cúp điện và nơi chủ tịch Miguel Díaz-Canel viếng thăm. Ông vào vài nhà dân và nhận những câu hỏi của cư dân.
Nhà cầm quyền dường như quyết định chấm dứt các cuộc biểu tình. Hơn mấy chục người biểu tình bị bắt, trong đó có một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Cuba, bị bắt khi nỗ lực tham dự một cuộc tuần hành tại thành phố Santiago, 900 km về phía đông. Các cuộc biểu tình làm gián đoạn giao thông tại thủ đô trong vài giờ cho đến khi một vài người ném đá và cảnh sát tiến vào giải tán họ.
Dịch vụ Internet chập chờn, đây có thể cho thấy một nỗ lực ngăn người biểu tình liên lạc với nhau.
“Chúng ta đã chứng kiến chiến dịch chống Cuba đã lớn mạnh như thế nào trên truyền thông xã hội trong vài tuần qua,” Chủ tịch Miguel Díaz-Canel nói ngày 12/7 khi ông xuất hiện trên truyền hình trong đó toàn thể Nội các của ông hiện diện. “Đó là cách thức họ làm: Cố tạo ra sự bất tuân, không hài lòng bằng cách vận dụng cảm xúc và cảm giác người dân.”
Trong một tuyên bố ngày 12/7, Tổng thống Joe Biden nói những người biểu tình Cuba hành xử những quyền căn bản của họ.
“Chúng ta sánh vai của người dân Cuba và lời kêu gọi rõ ràng của họ cho tự do và thoát khỏi móng vuốt của đại dịch và nhiều thập niên bị áp bức và thống khổ về kinh tế họ phải chịu đựng dưới chế độ độc tài Cuba,” ông Biden nói.
Mỹ thúc đẩy chính phủ Cuba phục vụ người dân “hơn là tự làm giàu,” ông Biden nói thêm.
Phó phát ngôn viên Liên hiệp quốc Farhan Hag ngày 12/7 nhấn mạnh là lập trường của Liên hiệp quốc “về sự cần thiết tự do ngôn luận và tụ tập ôn hòa phải được tôn trọng đầy đủ, và chúng tôi hy vọng đó sẽ là trường hợp này.”
Những cuộc biểu tình là cực kỳ bất thường trên đảo quốc nơi bất đồng chính kiến chống chính phủ ít được dung thứ. Cuộc biểu tình chính cuối cùng của quần chúng để bày tỏ bất mãn về kinh tế khó khăn diễn ra cách đây gần 30 năm vào năm 1994. Năm ngoái có những cuộc biểu tình nhỏ của các nghệ sĩ và những nhóm khác, nhưng không có cuộc biểu tình nào lớn hay sâu rộng như những gì bùng phát trong cuối tuần qua.
Trong cuộc biểu tình tại Havana ngày 11/7, cảnh sát lúc đầu đi theo sau vào lúc những người biểu tình hô to khẩu hiệu, “Tự do!” “Đủ rồi!” và “Cởi trói!”. Một người biểu tình lôi ra một lá cờ Mỹ nhưng bị những người khác giật lấy.
“Chúng tôi chán ngấy việc xếp hàng, khan hiếm. Đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây,” một người biểu tình trung niên nói với AP. Ông từ chối tiết lộ danh tánh vì lo sợ bị bắt sau này.
Sau đó khoảng 300 người biểu tình thân chính phủ kéo đến với một lá cờ Cuba lớn, hô khẩu hiệu ủng hộ cố Chủ tịch Fidel Castro và cách mạng Cuba. Một số tấn công một nhà báo quay video của AP, đập máy quay phim của ông. Phóng viên ảnh của AP Ramón Espinosa sau đó bị một nhóm cảnh sát sắc phục và thường phục đánh đập. Ông bị đánh dập mũi và bị thương nơi mắt.
Cuộc biểu tình lên đến vài ngàn người tại Đại lộ Galeano kế cận và những người biểu tình tiếp tục tuần hành dù bị cảnh sát tấn công và bị những loạt lựu đạn cay. Những người đứng trên nhiều ban-công dọc theo trung tâm chính tại khu Centro Habana hoan hô những người biểu tình đi ngang qua. Những người khác gia nhập cuộc tuần hành.
Sau khoảng hai giờ rưỡi tuần hành, một số người biểu tình gỡ đá trên đường và ném vào cảnh sát, vào lúc đó cảnh sát bắt đầu bắt người và người biểu tình giải tán. Các nhà báo của AP đếm có ít nhất 20 người bị bắt lên xe cảnh sát mang đi hay bị các cá nhân mặc thường phục bắt giữ.
Dù có nhiều người cố dùng điện thoại di động để phát hình cuộc biểu tình sống động, nhưng nhà cầm quyền Cuba đóng Internet trong suốt buổi chiều ngày Chủ Nhật 11/7.
Vào ngày thứ Hai 12/7, nhà chức trách Cuba ngăn chặn Facebook, WhatsApp, Instagram và Telegram, ông Alp Toker, giám đốc Netblocks, một công ty theo dõi Internet có trụ sở tại London, cho biết.
“Việc này dường như để phản ứng ứng với biểu tình được kêu gọi trên truyền thông xã hội,” ông nói. Twitter dường như không bị đóng dù ông Toker nói Cuba có khả năng ngăn chận trang này nếu họ muốn.