Tháng 11 tới đây, lần đầu tiên Trung Quốc sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, tức APEC. Các cuộc họp tiếp theo nhiều tháng Trung Quốc tỏ thái độ hung hãn trong những vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, gây bất bình cho các nước láng giềng. Chưa rõ Trung Quốc có thể làm những gì để xoa dịu căng thẳng trước khi các cuộc họp bắt đầu.
Các chuyên gia cho rằng quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản và Việt Nam là những thách thức khu vực lớn nhất đối với Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Bản chưa gặp đối tác phía Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức cách đây gần hai năm. Bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng căng thẳng vì một vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bắt đầu sôi sục hồi đầu năm nay.
Ông Joseph Cheng, nhà khoa học chính trị của trường Đại học Thành phố Hong Kong, nói rằng việc Trung Quốc chủ trì các phiên họp của APEC vừa là một thách thức vừa là một cơ hội.
“Đây là một cơ hội bởi vì trong tư cách nước chủ nhà, Trung Quốc được hưởng một số lợi điểm trong việc giải thích lập trường của mình và đây chắc chắn là một cơ hội để ngoại giao công cộng, để tìm cách thuyết phục các tham dự viên cũng như cộng đồng quốc tế về các ý đồ hoà bình của Trung Quốc.”
Quyết định của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông đã châm ngòi cho một phản ứng giận dữ.
Người Việt Nam biểu tình nhắm mục tiêu tấn công vào các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc. Có ít nhất bốn người thiệt mạng trong các vụ bạo động và gần 100 người bị thương. Mấy ngàn công nhân Trung Quốc đã rời khỏi Việt Nam sau những vụ tấn công.
Ông Kim Càn Vinh là một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Ông nói: “Trung Quốc hy vọng trong thời gian chủ trì cuộc họp APEC bang giao sẽ được cải thiện và sẽ góp phần khiến cho các cuộc họp được êm xuôi. Ông Kim nói trong khi “bang giao với một số nước như Nhật Bản, Philippines và Việt nam hơi bị căng thẳng, mối quan hệ của Trung Quốc với phần lớn các nước trong khu vực vẫn còn tốt đẹp.
Theo tin tức của giới truyền thông tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định phái một đặc sứ sang Nhật Bản trong những tuần sắp tới để giúp củng cố bang giao trước khi diễn ra các cuộc họp APEC. Vị đặc sứ này là bà Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu lãnh tụ Trung Quốc Lý Tiên Niệm, và là người được cho là có quan hệ chặt chẽ với ông Tập.
Hồi đầu tháng này, đã có tin Nhật Bản và Trung Quốc định sắp xếp một cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tự do.
Giáo sư Joseph Cheng của Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng trong khi Trung Quốc từ khước các cuộc đàm phán cấp cao từ khá lâu nay, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thừa nhận rằng vào một thời điểm nào đó, họ cần phải tiếp xúc với Nhật Bản.
“Gần như không thể nào chỉ chấm dứt tiếp xúc ở cấp cao. Đồng thời, họ lại muốn đoan chắc rằng việc đề xướng các cuộc tiếp xúc này cũng sẽ đem lại một vài nhượng bộ về phía Nhật Bản.”
Giáo sư Kim Càn Vinh của trường Đại học Nhân dân nói sẽ là một dấu hiệu tích cực nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cơ hội gặp gỡ bên lề hội nghị APEC. Nhưng một cuộc họp như thế không mang tính cấp thiết.
Giáo sư Kim nói: "Cho dù không có được sự cải thiện nào trong bang giao với Nhật Bản hoặc giả hai nước không có cơ hội họp với nhau, thì cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đối với phẩm chất các cuộc họp.”
Ông Kim nói thêm rằng ngoài Nhật Bản, “một điều chắc chắn là các nhà lãnh đạo của hai nước lớn là Hoa Kỳ và Nga, sẽ tham dự” hội nghị APEC.
Thêm vào các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố bang giao với Nhật Bản, Trung Quốc còn trông đợi một vài tiến bộ đối với Việt Nam.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Việt Nam sẽ bồi thường cho các nạn nhân của các vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Việt Nam hồi tháng 5. Hà Nội cũng sẽ gửi các phái bộ qua Trung Quốc để gặp các gia đình nạn nhân của các vụ bạo động, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Một đặc sứ cấp cao của Việt Nam đang có mặt ở Bắc Kinh trong tuần này và hôm nay sẽ kết thúc chuyến thăm hai ngày. Một chuyên gia phân tích nói với báo Global Times của nhà nước Trung Quốc rằng chuyến thăm cho thấy rằng cả hai nước đã quyết định xét tới đại cục và tìm ra cách thỏa hiệp.