Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA, dân biểu Quốc hội Canada, Wayne Marston, thuộc Đảng Tân Dân Chủ và là thành viên của Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế, cho biết thêm về nguyên nhân và nội dung của bức thỉnh nguyện thư mà ông đồng ký tên.
Dân biểu Wayne Marston: Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam tới đây, chúng tôi hết sức quan ngại về nhiều vấn đề liên quan tới nhân quyền. Một trong số này là sự thay đổi trong cách quản lý internet tại Việt Nam, đòi hỏi các dịch vụ internet cài đặt chương trình phần mềm có thể ngăn chặn các trang web nhất định và theo dõi hoạt động của người sử dụng net. Một trong những điều mà chúng ta nhìn thấy trên toàn cầu là việc sử dụng internet chính là phương thức giúp thể hiện các quan điểm dân chủ. Cho nên khi Hà Nội ngăn cản việc này, chúng tôi hết sức quan ngại. Ngoài ra, vài tháng gần đây, có một số người viết blog tự do cổ võ cho nhân quyền tại Việt Nam bị bắt giữ. Chúng tôi rất quan tâm về việc này. Một số blogger viết về dự án bauxite bị đóng cửa các trang mạng cá nhân hoặc bị bắt giữ. Mọi việc cho thấy chính quyền Việt Nam đang có hành động ngăn cản dân chúng tiếp cận thông tin.
VOA: Các mối quan ngại nêu lên trong bức thỉnh nguyện thư này được dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?
Dân biểu Wayne Marston: Các quan ngại của chúng tôi dựa trên những thông tin mà Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế của chúng tôi nhận được. Ngoài ra, dân biểu gốc Việt trong Quốc hội Liên bang Canada, bà Thái Thị Lạc, một thành viên của Ủy ban chúng tôi, người sinh ra tại Việt Nam, sau chuyến về thăm Việt Nam hồi năm ngoái, bà trở lại Canada với nhiều mối quan ngại rất sâu sắc.
VOA: Nhiều chính khách quốc tế đã gửi thỉnh nguyện thư tới chính phủ Việt Nam bày tỏ quan tâm và kêu gọi cải thiện về nhân quyền như thế, nhưng người ta cho rằng dường như những bức thư này không có tác động lớn vì thực tế cho thấy Hà Nội không bao giờ phúc đáp hoặc có hành động cụ thể nào.
Dân biểu Wayne Marston: Thực trạng nhân quyền tại Việt Nam là một mối quan tâm trên toàn cầu, không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, theo tôi, Hà Nội có thể không thực hiện những bước rõ ràng như yêu cầu trong những bức thỉnh nguyện thư này, nhưng họ cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, dĩ nhiên, sẽ nhận ra vấn đề một khi cộng đồng quốc tế bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc đó, bởi vì đây là điều mà tất cả các nước đều phải quan tâm đúng mức. Cho nên, điều mà chúng ta đang làm là có giá trị.
VOA: Vậy mức độ kỳ vọng của ông đối với Việt Nam như thế nào sau bức thỉnh nguyện thư này?
Dân biểu Wayne Marston: Chúng ta làm tất cả điều này với một hy vọng rằng người nhận thư sẽ quan tâm đúng mức và cân nhắc những yêu cầu nêu lên, nhưng mà Việt Nam chưa bao giờ có phản hồi tích cực.
VOA: Nếu điều tương tự xảy ra với thỉnh nguyện thư này, ý kiến ông như thế nào?
Dân biểu Wayne Marston: Nếu họ không đáp ứng thì chúng ta cũng không thể nói gì hơn thế. Ủy ban của chúng tôi chưa thảo luận về bất kỳ phương pháp nào thêm mà chúng tôi có thể thực hiện. Cho nên, bây giờ, nếu tôi nêu ý kiến của mình về việc này thì quá sớm.
VOA: Được biết ông đại diện cho khu vực có ít cử tri Việt Nam tại Canada, điều gì khiến ông quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam, thưa ông?
Dân biểu Wayne Marston: Tôi là người phụ trách về vấn đề nhân quyền trong Đảng Tân Dân Chủ. Một trong những nhiệm vụ của tôi là công tác trong Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế thuộc Ủy ban Thường vụ về Đối ngoại và Phát triển Quốc tế. Vì vậy, tôi được biết tới các vấn đề và những sự việc xảy ra tại Việt Nam. Dân biểu Thị Lạc trong Ủy ban của chúng tôi là người Việt Nam cũng đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Việt Nam. Đó là những lý do khiến tôi quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
VOA: Theo ông, vấn đề nhân quyền Việt Nam có tầm quan trọng thế nào trong mối bang giao song phương với Canada?
Dân biểu Wayne Marston: Như tôi được biết, yếu tố nền tảng của bất kỳ mối quan hệ bang giao nào chính là ở chỗ chính phủ nước bạn tôn trọng người dân cũng như các quyền của công dân như thế nào. Theo tôi, điều này rất đáng quan tâm. Tôi không nói thay cho chính phủ Canada, nhưng chính phủ nước tôi đề cập rất nhiều đến vấn đề nhân quyền. Nhân quyền phải được xem là giá trị cốt lõi trong bất kỳ mối quan hệ nào với bất kỳ quốc gia nào.
VOA: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Wayne Marston đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nhân dịp Thủ tướng Việt Nam sang Canada dự thượng đỉnh G20 trong tháng này, Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế thuộc Ủy ban Thường vụ về Đối ngoại và Phát triển Quốc tế của Quốc hội Canada đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hà Nội ngay lập tức phóng thích các nhà hoạt động ôn hòa cổ võ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1