Các mức thuế mà Liên hiệp châu Âu (EU) đánh vào gạo của Campuchia là "vũ khí" chống lại nông dân nghèo khó và sẽ làm tổn thương hàng triệu người đang chật vật tìm cách thoát nghèo, chính phủ và đảng cầm quyền của Campuchia nói.
EU từ ngày 18/1 sẽ áp thuế đối với gạo từ Campuchia và Myanmar trong ba năm tới để kiềm chế tình trạng gạo nhập ngày càng tăng mà EU cho rằng đã làm thiệt hại các nhà sản xuất trong khối này.
Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại trong khối, sẽ áp mức thuế 175 euro (200 đô la) đối với mỗi tấn gạo trong năm đầu tiên, giảm xuống 150 euro trong năm thứ hai, và 125 euro trong năm thứ ba.
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen nói rằng quyết định này là một hành động phân biệt đối xử về thương mại sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người nghèo Campuchia.
"Đây là hành động tôn trọng nhân quyền hay vi phạm nhân quyền?", Người phát ngôn của CPP, ông Sok Eysan nói với các phóng viên. "Hành động của Ủy ban EU là phân biệt đối xử thương mại", ông nói tiếp.
Bộ Thương mại Campuchia đã gọi quyết định của EU là "vũ khí giết chết nông dân Campuchia" và chống lại các quy tắc thương mại quốc tế.
Campuchia và Myanmar được hưởng lợi từ chương trình "Bất cứ gì ngoại trừ vũ khí" của EU, cho phép hai nước kém phát triển nhất thế giới xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang Liên hiệp châu Âu không phải chịu thuế.
Qua một cuộc điều tra, Ủy ban châu Âu đã phát hiện ra rằng nhập khẩu gạo từ cả hai quốc gia nói trên cộng lại đã tăng 89% trong năm vụ mùa trồng lúa vừa qua.
Ủy ban cho biết cuộc điều tra cũng đã phát hiện ra rằng giá thấp hơn đáng kể so với giá tại thị trường EU và đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho các nhà sản xuất gạo của EU.