Cơ quan tổ chức bầu cử Campuchia hôm 23/7 cho biết sẽ điều tra về khiếu nại đối với khoảng 30 cựu đảng viên đảng đối lập vì kêu gọi tẩy chay cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 29/7, theo Reuters.
Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), lực lượng đối lập chính ở Campuchia, đã bị giải tán năm ngoái. Đây là một phần trong cuộc đàn áp trên diện rộng của Thủ tướng Hun Sen, người đang tìm cách củng cố quyền lực sau cuộc bầu cử năm 2013 mà đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông giành chiến thắng sít sao.
Chiến dịch tẩy chay mang tên “Ngón tay sạch”, ám chỉ chuyện cử tri dùng mực in làm vấy bẩn ngón tay khi đi bầu, do các thành viên lưu vong của phe đối lập khởi xướng.
Nhà chức trách nói kêu gọi tẩy chay bầu cử là bất hợp pháp, nhưng các nhóm nhân quyền cho rằng việc kêu gọi là không trái luật.
Ông Ven Porn, người đứng đầu ủy ban bầu cử ở tỉnh Battambang, cho biết một quan chức CPP đã đâm đơn khiếu nại các cựu thành viên CNRP.
“Chúng tôi sẽ điều tra,” ông Ven Porn nói với Reuters vào ngày 23/7.
Khi không có sự cạnh tranh đáng kể nào, ông Hun Sen, người đã cai trị Campuchia 33 năm, được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 29/7.
Lãnh đạo CNRP, Kem Sokha, đã bị bắt giam vào tháng Chín vì tội phản quốc. Những người ủng hộ ông nói rằng vụ đó có động cơ chính trị. Ông đang bị tạm giam ở khu vực gần biên giới Campuchia và Việt Nam.
Phát ngôn viên của CPP, Sok Eysan, cho biết rằng đảng này sẽ phạt các cựu thành viên CNRP chống đối lên đến 5.000 đôla vì đã kêu gọi mọi người không bỏ phiếu.
“Đây là một sự kích động và thủ thuật nhằm ngăn chặn người dân bỏ phiếu, chống lại quyền công dân vốn đã được nêu trong Hiến pháp”, ông Sok Eysan nói.
Ông Chea Chiv, cựu lãnh đạo của CNRP tại Battambang, người bị nêu tên trong đơn kiện, nói rằng tẩy chay bỏ phiếu không phải là bất hợp pháp.
“Tôi sẽ không bỏ phiếu nếu không có đảng nào mà tôi thích, và đây là quyền tự do biểu đạt đã được bảo đảm bởi luật pháp”, ông Chea Chiv nói với Reuters.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), bày tỏ lo ngại:
“... khi mọi người đi bỏ phiếu, họ phải chấm ngón tay vào mực Ấn Độ và vì vậy họ (chính quyền) có thể xác định rất rõ rằng ai có ngón tay vấy mực và ai không có”, ông Robertson nói với Reuters.
“Những người không đi bỏ phiếu có thể phải đối mặt với một số câu hỏi khó khăn và bị đe dọa”, đại diện của HRW nói.