Đường dẫn truy cập

Campuchia bãi bỏ kế hoạch xây nhà tù ‘khách sạn’


Bên ngoài một trung tâm 'phục hồi nhân phẩm' của nhà tù Prey Sar ở Phnom Penh. Chính phủ Campuchia đang bãi bỏ kế hoạch xây nhà tù 'khách sạn' gây tranh cãi ở Prey Sar.
Bên ngoài một trung tâm 'phục hồi nhân phẩm' của nhà tù Prey Sar ở Phnom Penh. Chính phủ Campuchia đang bãi bỏ kế hoạch xây nhà tù 'khách sạn' gây tranh cãi ở Prey Sar.

Chính phủ Campuchia đang bãi bỏ một dự án nhà tù "khách sạn" gây tranh cãi, theo các quan chức của Bộ Nội vụ nước này cho biết.

Đầu tháng này, chính phủ Campuchia tuyên bố rằng họ sẽ sớm mở các cơ sở nhà tù mới, trong đó các tù nhân có thể trả tiền để ở. Các cơ sở được cho là thoải mái hơn các phòng giam thông thường tại nhà tù Prey Sar, nơi bị chỉ trích là quá tải. Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng đã gọi tổ hợp nhà tù mới là "khách sạn" và có lần phát ngôn viên Bộ Nội vụ Khieu Sopheak gọi đây là "nhà tù 5 sao". Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2017, do công ty Kunn Rekon Holdings Co Ltd. tiến hành.

Nhưng trong một diễn biến mới, người phát ngôn Bộ Nội vụ phụ trách về nhà tù, Nouth Savna, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng các kế hoạch này sẽ bị hủy bỏ, và đang chờ thông báo chính thức.

"Tôi nghĩ rằng toàn bộ ý tưởng phải trả tiền, khái niệm này đã bị loại bỏ", ông nói. "Nhưng chúng tôi cần phải trải qua một quy trình chính thức với việc thanh toán tiền với công ty và báo cáo cho chính phủ. Sẽ không có nhà tù trả tiền để ở."

Ông Savna từ chối giải thích thêm về lý do hủy bỏ kế hoạch, và VOA sau đó nhiều lần tìm cách tiếp cận ông để xin bình luận nhưng đều không được.

Trước đó, ông Savna giải thích rằng chính phủ lo ngại rằng công ty Kunn Rekon Holdings Co Ltd. sẽ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia để xây cơ sở mà ban đầu được thiết kế để giam giữ 400 tù nhân, và do đó có khả năng quốc hữu hóa nhà tù này. Ông Savna cho biết chính phủ có thể phải trả tiền bồi thường cho công ty này khi chấm dứt hợp đồng vì khu phức hợp này đã trong quá trình xây dựng.

Một nhân viên của công ty, người từ chối nêu tên, cho biết công ty của ông không có quyền bình luận với báo chí vì họ chịu sự giám sát của Bộ Nội vụ.

Khi được hỏi về việc thay đổi kế hoạch, nhân viên này cho biết ông không thể cung cấp thêm thông tin. "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ họ, đó là tất cả những gì tôi biết", ông nói.

Dự án nhà tù này đã thu hút nhiều chỉ trích vì tạo ra một hệ thống "hai lớp".

Chak Sopheap, giám đốc điều hành của Trung tâm Nhân quyền Campuchia, cho biết trong một email rằng các nhà tù ở Campuchia đặt ra một "mối quan tâm cấp thiết về nhân quyền."

"Các nhà tù Campuchia quá tải đến mức nguy hiểm", theo bà Sopheap. Tuy nhiên, theo bà, một nhà tù trong đó các tù nhân có thể trả tiền để ở một cách thoải mái hơn sẽ không phải là một giải pháp thích hợp. "Nó gửi đi thông điệp rằng nếu bạn phạm tội, hình phạt của bạn sẽ phụ thuộc vào số tiền bạn có trong tay. Như thường lệ, khi tiếp cận với công lý, người nghèo sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất", bà nói.

Rhona Smith, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Campuchia, cũng đã bày tỏ quan ngại về nhà tù trong báo cáo năm 2018 của bà. "Tất cả những người bị giam giữ phải được cung cấp các điều kiện giam giữ giống nhau, các điều kiện này đáp ứng và thậm chí vượt quá các tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong các hiệp ước của Liên Hợp Quốc mà Campuchia chấp nhận và các hướng dẫn bổ sung", bà Smith nói trong tuyên bố của mình.

Trong email gửi tới VOA, đại diện Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Simon Walker cho biết rằng tình trạng quá tải có thể được khắc phục bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, ông nói rằng tổ chức của ông đã làm việc với chính phủ về việc giảm giam giữ trước khi xét xử và "thúc đẩy các biện pháp thay thế tuyên án" để giảm số lượng tù nhân.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Khieu Sopheak cho biết chính phủ sẽ tiếp quản cơ sở này. "Xin lưu ý rằng, sau khi tranh luận, kế hoạch này đã bị hủy bỏ", ông nói trong một tin nhắn gửi tới VOA. Trong một cuộc điện thoại ngắn sau đó, ông nói rằng: "Chúng tôi bỏ kế hoạch này. Không còn suy nghĩ về điều đó, không viết thêm gì về điều đó."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG