Chính phủ Campuchia nói khoảng 200 người Thượng từ Việt Nam chạy sang Campuchia để tránh bị đàn áp, phải trở về quê nội trong 3 tháng, nếu không sẽ bị cưỡng bức hồi hương.
Bản tin của trang mạng New American Media hôm 13/9 tường thuật rằng trong số những người Thượng này, 13 người đã được cấp quy chế tỵ nạn nhưng giới thẩm quyền địa phương nói rằng tất cả những người khác đều được coi là di dân bất hợp pháp.
Quyết định này đã lập tức bị lên án bởi các tổ chức bênh vực nhân quyền, như một hành động vi phạm các cam kết của Campuchia đối với các hiệp định quốc tế.
Họ nói rằng người Thượng tỵ nạn là nạn nhân của chiến dịch đàn áp tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam. Báo Cambodia Daily được American Media trích nguồn, dẫn lời bà Denise Coghlan, người đứng đầu Dịch vụ Hỗ trợ Người Tỵ nạn Dòng Tên, nói rằng cưỡng bức những người Thượng tỵ nạn hồi hương là một sự vi phạm trắng trợn Công ước về Người Tỵ nạn mà chính quyền Campuchia đã ký kết.
Dịch vụ Người Tỵ nạn Dòng Tên là tổ chức đã giúp người tỵ nạn đến từ Tây Nguyên tại Pnom Penh.
Bà Denise Coghlan nói với tờ báo rằng ‘Có hơn 200 người Thượng tỵ nạn đến từ Việt Nam. Một số đã bị cầm tù và đánh đập. Nhiều người bị buộc phải hứa sẽ bỏ đạo”.
Một phúc trình mới đây của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch kết luận rằng người Thượng ở vùng Tây Nguyên là nạn nhân của một loạt các hành động ngược đãi của chính quyền Việt Nam, kể cả bị bắt bớ bừa bãi, bị hành hung trong thời gian bị câu lưu, bị trấn áp tinh thần, theo dõi và đàn áp tôn giáo.
Trong khi đó báo Phnom Penh Post hôm nay đăng bài viết nói rằng Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận lại 200 người Thượng đang xin tỵ nạn ở Campuchia, theo một cơ quan tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc.
Bà Vivian Tan, người phát ngôn khu vực của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng chính phủ Việt Nam đã lên tiếng trấn an rằng người Thượng trở về sẽ không bị ngược đãi, phân biệt đối xử, hay bị trừng phạt.
Theo bà Vivian Tan, thì Việt Nam còn hứa sẽ tạọ điều kiện cho Cao Uỷ Tỵ nạn đến thăm những người Thượng trở về. Bà Tan hôm qua nói rằng Cao Uỷ Tỵ nạn không ủng hộ việc dùng vũ lực ép người tỵ nạn phải về nước trái với ý muốn của họ, nhưng bà nói thêm rằng cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ‘thông thường không can thiệp với việc hồi hương những cá nhân chưa được cấp quy chế tỵ nạn’.
Cao Uỷ Tỵ nạn lên tiếng sau khi Bộ Nội vụ Campuchia hôm thứ Sáu cho hay đã ra hạn chót 3 tháng cho người Thượng chưa được xét đơn tỵ nạn, phải trở về Việt Nam, nếu không, sẽ bị cưỡng bức hồi hương.
Campuchia hồi tháng 5 vừa qua đã gửi quân tới vùng biên giới để ngăn chặn những người tỵ nạn khác chạy vào lãnh thổ Campuchia.
Tin cho hay gần 50 người dã bị buộc phải hồi hương trong mấy tháng gần đây.
Theo Phnompenhpost.com, newamericamedia.org