Đường dẫn truy cập

Kampuchea công bố danh sách cổ vật


Bức tường, bị mất cắp từ đền thờ Banteay Chhmar ở Kampuchea năm 1998 sau đó được hoàn trả từ Thái Lan, hiện đang được trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia trong thủ đô Phnom Penh
Bức tường, bị mất cắp từ đền thờ Banteay Chhmar ở Kampuchea năm 1998 sau đó được hoàn trả từ Thái Lan, hiện đang được trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia trong thủ đô Phnom Penh

Kampuchea công bố danh sách các cổ vật với hy vọng giảm bớt việc đánh cắp các tài sản văn hóa quý giá.

Một ngàn năm trước đây, đế quốc Ankor của Kampuchia đạt đỉnh cao, cai trị những khu vực mà bây giờ là một phần của Thái Lan, Việt Nam và Lào.

Ngày nay, những thành tựu của họ được sự ngưỡng mộ của hai triệu du khách đến thăm Kampuchia mỗi năm. Nhiều người đến thăm Angkor Wat, một thành phố đền đài nổi tiếng nằm về phía Tây Bắc.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, di sản văn hóa phong phú của Kampuchia đã bị đánh cắp, nhiều đền đài và những di tích cổ bị hủy hoại để lấy những pho tượng bên trong. Hiện tượng này gây nhiều khó khăn cho những người cố gắng bảo tồn di sản của Kampuchia.

Ông Hab Touch là một giám đốc sắp sửa ra đi của Bảo tàng viện quốc gia tại Phnom Penh.

Ông cho biết là một trong những phương pháp được áp dụng gần đây để chống lại việc trộm cắp những cổ vật là cho công bố một tập tài liệu nhỏ gồm 8 trang, liệt kê nhiều loại cổ vật có nguy cơ bị đánh cắp và đưa lậu ra nước ngoài.

Tập sách nhỏ này được gọi là Danh sách Đỏ, được soạn với sự cộng tác của Hội đồng các Bảo tàng quốc tế.

Danh sách Đỏ sẽ được phân phát đến các viên chức hải quan tại vùng biên giới, những viện bảo tàng và những nơi đấu giá ở nước ngoài, nhằm chống lại những thương vụ bất hợp pháp.

Ông Hab Touch cho biết: “Tôi hy vọng là Danh sách Đỏ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những cổ vật văn hóa Kampuchia và tôi tin tưởng chắc chắn là trong tương lai, Danh sách Đỏ sẽ tạo dựng được khả năng bảo vệ di sản của Kampuchia.”

Những cổ vật ghi trong Danh sách Đỏ bao gồm từ châu báu và vũ khí đến đầu các pho tượng đá và những pho tượng bằng đồng. Danh sách Đỏ cũng liệt kê những hạt chuỗi có tuổi hơn 2.000 năm và những vật dụng bằng gỗ có từ khoảng một thế kỷ nay.

Tóm lại đây là danh sách những thành tựu trong một thời gian dài của nghệ thuật Kampuchia.

Ông Dougald O'Reilly là giám đốc của Heritage Watch, một tổ chức chống lại việc mất cắp di sản văn hóa của Kampuchia.

Nói chuyện bằng điện thoại từ Australia, ông O'Reilly cho biết:

“Tôi nghĩ là vấn đề này rất nghiêm trọng. Chúng tôi khám phá ra rằng tại vùng nông thôn có rất nhiều hoạt động thuộc loại này. Kể từ năm 2000, có nhiều vụ phá hủy tại những địa điểm khảo cổ có niên đại từ 500 năm trước Thiên Chúa đến 500 năm sau Thiên Chúa. Nhiều người khai quật một cách bất hợp pháp những khu vực nghĩa trang để tìm những tràng hạt mã não, thủy tinh và những loại quý giá khác nữa.”

Ông O'Reilly hoan nghênh ý kiến công bố Danh sách Đỏ và nói rằng việc này có khả năng làm giảm bớt đáng kể số cổ vật chuyển lậu sang biên giới khi mà danh sách này được in bằng tiếng Khmer và tiếng Thái Lan gửi đến các viên chức tại các trạm kiểm soát dọc biên giới.

Nhiều người Kampuchia và Thái Lan muốn có những cổ vật của Khmer để làm bùa, mang lại may mắn.

Ông O'Reilly cho biết thêm là vấn đề cướp bóc tại các khu vực tiền sử bắt đầu cách đây 10 năm và lên đến cao điểm 5 năm sau đó. Câu hỏi đặt ra là việc cướp bóc này giảm bớt hay tệ hơn nữa?

Ông O’Reilly cho biết ý kiến: “Thật khó mà nói. Có vẻ như là có giảm bớt đôi chút việc đánh cắp tại các khu vực này và chính phủ Kampuchia có thể được đánh giá cao vì đã có khá nhiều nỗ lực trong việc truy lùng nhiều vụ mất cắp. Do đó có vẻ như là có một chiều hướng tốt nhưng tôi nghĩ là vẫn còn vấn đề hủy hoại di sản tại Kampuchia.”

Về phần mình, ông Hab Touch tại Bảo tàng viện quốc gia tin là vấn đề đang được cải thiện. Ông nói là những phương cách được dùng như là giáo dục cho người dân Kampuchia tại vùng nông thông về giá trị văn hóa của những cổ vật.

Ông Hab Touch nói: “Lẽ dĩ nhiên chúng tôi cũng giáo dục người dân địa phương và kêu gọi người dân địa phương tham gia vào việc bảo vệ cổ vật, tôi nghĩ đó là điều quan trọng vì nếu người dân không hiểu họ sẽ không bảo vệ nền văn hóa của chính họ.”

Tuy nhiên cũng không khó khi tìm ra những cổ vật bị mất cắp. Một chuyến đi chợ Nga tại Phnom Penh cũng thấy một khay những tràng hạt cổ và những cổ vật Khmer tiếp tục được bày bán.

Đối với những người đang hoạt động để bảo vệ những cổ vật thì họ biết rất rõ là chừng nào nhu cầu về cổ vật của Khmer vẫn còn tiếp tục được ưa chuộng thì luôn luôn vẫn có những người sẵn sàng cung cấp cho đến ngày không còn gì để lấy cả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG