Tại Việt Nam, Lào, và Campuchea, các nhà bảo vệ môi trường ước tính các hoạt động săn bắn và săn trộm đã làm giảm số lượng cọp ở mỗi nước xuống dưới 30 con.
Tại khu rừng được bảo vệ Mondulkiri phía đông Campuchea, giới bảo vệ môi trường đã mang về các “chuyên gia” đặc biệt để tìm số cọp ít ỏi còn sót lại.
“Đi tìm đi, giỏi lắm Sadie May!”
Sadie May và Scooby Doo là hai con chó mực, thuộc giống chó săn Labrador. Chúng thuộc một dự án mang tên Conservation Canines của trừơng đại học Washington ở Mỹ, huấn luyện cho chó đánh hơi chất thải của động vật hoang dã, hay còn được gọi là “scat”.
Jennifer Hartman, ngừơi huấn luyện của Scooby, nói rằng các chú khuyển này tinh nhanh hơn các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra “scat” của cọp.
Cô Hartman cho biết: “Chúng tôi huấn luyện chúng ngồi lên trên các chất thải này, một tín hiệu cho biết là chúng tìm ra được cái gì đó. Và chúng tôi đến kiểm tra. Tất cả những chú khuyển của chúng tôi đều cực kỳ thích chơi banh. Thế nên, phần thưởng cho chúng khi tìm ra “scat” là được chơi banh trong 2-3 phút và điều đó làm chúng phấn khởi cả ngày.”
Những người huấn luyện ghi chú địa điểm tìm ra “scat” và lấy một một ít làm mẫu để phân tích xác định xem có phải của một con cọp hay không, đồng thời cũng xem xét được tình trạng sức khoẻ của nó.
Elizabeth Seely là người huấn luyện của Sadie. Cô cho biết có thể khám phá được rất nhiều điều từ phân của động vật.
Cô Seely nói: “Chúng ta có thể thấy được mức độ hormone, các dữ liệu về sinh lý, cũng như tình trạng bệnh lý. Và tất cả những điều này gộp lại sẽ cho chúng ta biết tình trạng sức khoẻ tổng quát của quần thể này”.
Rừng Mondulkiri của Campuchea từng rất giàu về động vật hoang dã, kể cả loài hổ, nhưng các hoạt động săn bắn và săn trộm đã xoá sạch gần hết thú hoang dã ở đây, và giết hại hầu hết các chúa tể sơn lâm.
Lean Kha, một binh sĩ theo quân cộng sản Khmer Đỏ hồi đầu thập niên 1980, thừa nhận rằng ông đã giết thú hoang dã để ăn thịt cũng như để mua bán, trong đó có 14 con hổ.
Ông cho biết ông trở thành một nhân viên kiểm lâm để chuộc lại những gì mà ông cho là tội lỗi trong quá khứ.
Ông Kha nói:“Thời tôi còn trong quân đội Khmer Đỏ, có rất nhiều thú hoang dã, nhưng sau đó thì dần dần ít đi. Tuy nhiên, kể từ khi tôi trở thành một nhân viên bảo vệ thú hoang dã thì dường như con số động vật hoang dã đang tăng dần lên.”
Dự án Conservation Canines đã phối hợp với giới kiểm lâm Kampuchea và Quỹ Bảo tồn Dã Sinh Quốc tế WWF nhằm bảo vệ loài cọp hoang. Các chú mèo to lớn này một thời đi lang thang xuyên suốt khu vực Châu Á đến tận Siberia, nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho hay chỉ còn vài ngàn con cọp sống ở nơi hoang dã. Số đang bị nhốt giữ nhiều hơn số này rất nhiều. Quỹ WWF nói rằng nếu không có hành động tức thời thì đến năm 2022, có lẽ sẽ không còn một con cọp hoang nào cả.
Nick Cox là điều phối viên của Chương trình Cọp và Rừng Khô thuộc Quỹ Dã Sinh Thế giới tại các quốc gia dọc theo Sông Mekong ở Đông Nam Á. Ông cho biết các khu rừng ở vùng đồng bằng miền đông của Kampuchea tạo một môi trường sống nguyên sơ cho các chú cọp hoang dã được hồi sinh.
Ông Cox cho biết: “Những nơi này là một số trong các khu vực đựơc bảo vệ rộng nhất tại vùng Châu Á này, và chúng đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường vì chúng có tiềm năng lớn trong việc phục hồi các quần thể hoang dã trong đó có loài cọp.”
Quỹ WWF đã thiết lập các hệ thống camera tại nhiều nơi trong khu rừng này để chụp hình ảnh của các loài động vật hoang dã hay lẩn tránh.
Nhưng bức ảnh cuối mà họ chụp được một chú cọp là hồi năm 2007.
Các nhà bảo vệ môi trường hy vọng rằng hai chú khuyển Sadie May và Scooby Doo sẽ tìm ra một vài dấu tích mới hơn về loài cọp hoang và tiếp sức cho các nỗ lực bảo vệ những chúa tể sơn lâm.
Theo lịch Châu Á, năm nay là năm con cọp, nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho hay quần thể cọp hoang dã đang nhanh chóng biến mất. Tại Kampuchea, người ta hy vọng rằng một cặp chó đặc nhiệm từ Hoa Kỳ có thể giúp cứu nguy cho loài cọp. Thông tín viên đài VOA, Daniel Schearf, tường trình từ khu rừng được bảo vệ Mondulkiri, phía đông nứơc này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1