Vì đây là một chức vụ liên bang, nên dù ở bên trong hay bên ngoài California, người Việt tại các nơi khác cũng chú ý đến cuộc đua này.
Ông Đinh Hùng Cường, một nhà thầu ở bang Virginia cho biết:
“Chúng tôi nhận thấy hiện nay trong Quốc hội liên bang chúng ta đã có một người Việt Nam rồi, nếu bây giờ chúng ta có thêm một dân biểu trẻ cũng là người Việt Nam, cũng thuộc đảng Cộng hòa nữa thì tôi thấy đó là điều rất nên. Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ rằng trong thời gian dài vừa qua bà Loretta Sanchez đã giúp đỡ cho người Việt Nam chúng ta rất nhiều, chúng ta rất biết ơn bà. Nhưng theo tôi, thứ nhất, bà ấy đã ở trong vị trí đó quá lâu, đã đến lúc chúng ta cần người trẻ, người mới. Thứ hai, thực ra trong cái thế chính trị, bất cứ người nào đắc cử ở đơn vị đó cũng phải yểm trợ người Việt Nam vì người Việt Nam ở đó quá mạnh.”
Trong bang Texas, ông Trần Ngọc Cư, chuyên viên về di trú phát biểu:
“Chúng ta có hai lấn cấn. Thứ nhất, bà Loretta Sanchez chẳng những tích cực tranh đấu cho quyền lợi của người Việt ở Cali mà còn tranh đấu về nhân quyền cho người Việt Nam ở trong nước. Đó là một tiếng nói rất mạnh trong Hạ viện Hoa Kỳ về nhân quyền cho người Việt Nam ở trong nước. Thứ hai, chúng tôi không rõ lắm về thành tích phục vụ của ông Trần Thái Văn cho cộng đồng người Việt ở Mỹ và nhân quyền và tự do cho Việt Nam, vì chúng tôi ở xa. Nhưng nếu ông Trần Thái Văn cũng tích cực phục vụ như bà Loretta Sanchez thì dĩ nhiên nếu tôi được bỏ phiếu thì tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trần Thái Văn.”
Tuy nhiên, quyết định chiếc ghế Dân Biểu của đơn vị 47 California vẫn là cử tri của bang này.
Ông Nguyễn Hữu Thời, một cư dân của Quận Cam California, so sánh giữa hai ứng cử viên:
“Thiệt ra không thể so sánh vì hai người ở hai cấp bậc khác nhau, một vị là liên bang một vị là tiểu bang. Nhưng có điều tôi thấy một người không phải là gốc Việt mà hoạt động cho cử trị Việt Nam như bà Loretta Sanchez như vậy tôi thấy là tuyệt vời. Nếu có một vị dân cử gốc Việt thì có lẽ cũng đến mức đó chứ không thể hơn được nữa.”
Ý kiến của ông Thời, một cựu dân biểu trong tỉnh Bình Định dưới chế độ VNCH, không được sự đồng tình của ông Huỳnh Lương Thiện, Đại diện cho ban Vận động tranh cử của ông Trần Thái Văn tại phía Bắc California. Ông Thiện cho biết:
“Đã đến lúc cộng đồng người Việt cần có tiếng nói trực tiếp, không vay mượn tại chính trường Hoa Kỳ. Nếu chúng ta muốn có ảnh hưởng, và từ ảnh hưởng đó chúng ta có thể đạt những mục tiêu quan trọng khác cho quê hương như dân chủ, nhân quyền, tự do… chúng ta phải có thế đứng mạnh Quốc hội Hoa Kỳ; cho nên đây là cơ hội chúng ta phải đưa thêm tiếng nói của chính người Việt vào Quốc hội Hoa Kỳ để tiếng nói và nguyện vọng của chúng ta được tôn trọng tại trung tâm quyền lực quan trọng của Hoa Kỳ là Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội liên bang.”
Có ý kiến cho rằng nếu bầu bà Loretta Sanchez thì có lợi cho người Việt hơn, vì nếu để ông Trần Thái Văn đại diện thì mỗi lần ông này phê phán chính phủ Hà Nội thì chính phủ này có thể nói ông Văn là tàn tích của chế độ VNCH, có sẵn đầu óc không ưa cộng sản.
Về mặt này ông Huỳnh Lương Thiện, người ủng hộ ông Trần Thái Văn cho biết:
“Chính nghĩa của người Việt phải do người Việt đảm nhận. Trước đây chúng ta không có ứng cử viên người Việt nào được như bà Loretta Sanchez nên chúng ta phải nhờ bà, chúng ta vẫn nên cám ơn bà. Tuy nhiên, việc của cộng đồng người Việt phải do nhân sự người Việt có trách nhiệm đấu tranh thì hữu hiệu hơn và đúng hơn.”
Ông Huỳnh Lương Thiện so sánh giữa hai ứng cử viên:
“Cả hai đều có những nỗ lực lên tiếng chống đối những sai trái của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề hữu hiệu rất quan trọng. Bà Loretta Sanchez đã bênh vực cho các nhà tranh đấu như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Lê Thị Công Nhân v.v… nhưng chưa thấy kết quả cụ thể. Trong khi đó, Dân biểu Trần Thái Văn đã vận động và thông qua được một số kết quả như Nghị quyết No Communist Zone, ngăn cản và gây khó khăn cho chuyện đi đứng của các phái đoàn Việt Nam tại Nam Cali. Ông đã cùng với nhiều người phát động chiến dịch vinh danh cờ vàng v.v… Qua báo chí trong nước và các phát biểu của những giới chức cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ như ông Nguyễn Xuân Phong, Tổng lãnh sự tại San Francisco, chúng ta thấy Dân biểu Trần Thái Văn đã bị ông Phong chỉ trích, lên án rất nặng nề trong chiến dịch vinh danh cờ vàng.”
Xin quay lại với ông Nguyễn Hữu Thời, cựu dân biểu VNCH, đơn vị Bình Định, đang ở Quận Cam:
“Tôi hết sức buồn lòng về cuộc đua này, nhưng không phải buồn ông Trần Thái Văn mà buồn đảng Cộng hòa, trong đó tôi cũng là một đảng viên. Nếu đảng Cộng hòa muốn thăng tiến cho ông dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn thì thiếu gì chỗ chọn để đưa ông ấy ra, mà lại đưa ra địa hạt 47, đối đầu với bà Loretta Sanchez, là một vị dân biểu mà cộng đồng chúng tôi hết sức quý mến, thành ra điều đó làm khó lòng cho cử tri người Việt chúng tôi quá chừng.”
Ý ông Nguyễn Hữu Thời là nếu ông Trần Thái Văn ra ứng cử ở một đơn vị khác, thì cử tri người Việt ở Quận Cam khỏi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bên tình bên nghĩa không biết chọn bên nào. Nhưng ông Huỳnh Lương Thiện thẳng tay bác bỏ ý kiến này:
“Dân biểu Trần Thái Văn lớn lên và đã hoạt động trên 20 năm, từ thời sinh viên cho tới nghị viên và dân biểu ở Nam Cali đều tập trung vào địa hạt 47. Địa hạt đó có đa số đồng bào người Việt ủng hộ ông và nhiều người Mỹ cũng biết rất rõ và tin tưởng các hoạt động của ông; thì không có lý do gì ông phải đi một đơn vị khác, chẳng ai biết ông là ai và ông chưa có thành tích nào tại đó; cho nên ông tranh cử tại đơn vị 47 rất là đúng. Còn chuyện phải đương đầu với bà Loretta Sanchez thì tôi cho là chuyện đáng tiếc, chuyện chẳng đặng đừng thôi.”
Ông Lê Khắc Lý, cựu Đại tá trong quân đội VNCH, chức vụ cuối cùng là Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 và Quân khu 2. Ông là một trong những người phát triển khu vực Little Saigon và hiện nay đang làm công chức cho Quận Cam. Ông Lý cho biết:
“Người Việt Nam nào trong khu vực này cũng muốn ông Trần Thái Văn thắng cử. Tuy nhiên, trong trường hợp này có những khúc mắc, làm cho cử tri Mỹ gốc Việt suy nghĩ. Đầu tiên, người ta cứ lập luận những người làm chính trị thời VNCH hồi xưa bây giờ qua đây lớn tuổi rồi, nên nhường bước cho giới trẻ hoạt động, nhất là giới trẻ giỏi tiếng Anh hơn. Tiếp theo, giới trẻ họ không có thành kiến, chia rẽ, không chống báng nhau.
Điều đó trong thời gian qua đã chứng minh ngược lại. Trong Quận Cam những người trẻ vô đảng Cộng hòa chống nhau quá. Ví dụ trường hợp ông Trần Thái Văn lãnh đạo người của ông chống lại cô Janet Nguyễn, hiện nay là Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Quận Cam, họ đều là đảng viên Cộng hòa với nhau. Điều đó làm cử tri gốc Việt khi cầm lá phiếu sẽ suy nghĩ có nên bầu cho những người có thành tích chia rẽ nặng nề như vậy không. Điểm thứ hai, bà Loretta Sanchez dù là Dân chủ nhưng đã từng về Việt Nam và làm những điều có lợi cho những người không cộng sản. Bà đã gặp những người đối kháng nổi danh, điển hình là Hòa thượng Thích Quảng Độ, cho nên bà rất có uy tín với người Mỹ gốc Việt, bất kể theo đảng Cộng hòa hay Dân chủ.”
Ý kiến của ông Lê Khắc Lý, cho rằng giới trẻ cũng có những “xào xáo”, kèn cựa, mất đoàn kết giống như giới già, đã được ông Huỳnh Lương Thiện, người ủng hộ ông Trần Thái Văn, phản biện như sau:
“Già trẻ lớn bé luôn luôn có sự tranh đua, đó là chuyện tự nhiên trong một xã hội dân chủ. Cử tri là người chấm điểm cho nên cứ việc tranh đua rồi cử tri sẽ chấm điểm. Tôi tin là cử tri rất sáng suốt. Còn 'xào xáo' nếu có cái nhìn tiêu cực thì ta cho đó là “xào xáo”, nếu có cái nhìn tích cực thì ta cho đó là “tranh đua” để vượt qua đối phương của mình, đó là sinh hoạt dân chủ bình thường thôi.”
Mặc dù còn 8 tháng nữa mới có cuộc bầu cử, cả ông Trần Thái Văn và bà Loretta Sanchez đều đã bắt đầu vận động giới cử tri người Việt. Ví dụ như mỗi khi có một sự kiện gì liên quan đến Việt Nam thì một người lên tiếng hôm trước, hôm sau người kia cũng lên tiếng.
Và vào lúc chúng tôi soạn bài tường trình này thì dư luận tại Quận Cam thắc mắc về vấn đề khai thuế của ông Trần Thái Văn trong lúc giữ Dân biểu của tiểu bang. Chưa rõ vấn đề này có ảnh hưởng gì đến cuộc đua hay không.
Trong khi chờ đợi, Bác sĩ Phạm Lễ, Chủ nhiệm tờ California Magazine ở San Jose, lưu ý bất cứ người Việt nào giữ chức vụ quan trọng tại Hoa Kỳ cũng nên rút kinh nghiệm của Dân Biểu Louisiana Cao Quang Ánh trong chuyến đi Việt Nam mới đây. Bác sĩ Phạm Lễ cho biết:
“Khi Dân biểu liên bang Cao Quang Ánh đi làm nhiệm vụ của một dân biểu Hoa Kỳ vào Việt Nam để thương thảo với chính phủ cộng sản Việt Nam về những vấn đề có liên quan giữa hai nước, một số người Việt Nam lại có sự nhạy cảm, hoặc có một cái cảm tính. Họ cứ thấy ông ấy đi vào Việt Nam thì họ lại sợ và đả đảo ông đã theo cộng sản. Vấn đề đó không đúng nếu chúng ta nhìn theo khía cạnh chính trị; nhưng nếu nhìn theo khía cạnh nhạy cảm, có lẽ dân biểu Cao Quang Ánh là người trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều, nhất là hình như gốc ông ta là một nhà tu xuất; do đó, sự nhạy cảm và sự phản ứng về ngôn từ chính trị ông chưa có đủ. Chúng ta hy vọng rằng sẽ phải bổ túc thêm cho người dân cử chính trị gốc Việt Nam.”
Nếu quý vị có ý kiến gì về cuộc đua giữa ông Trần Thái Văn và bà Loretta Sanchez, xin quý vị gửi cho chúng tôi qua phần đóng góp bên dưới.
Quý vị cũng có thể nghe phần âm thanh bằng cách bấm hình loa bên tay phải.