Tầm vóc của nền kinh tế bang California vẫn vô cùng to lớn, cho dù cuộc suy thoái kinh tế đã làm chậm lại mức tăng trưởng của nó. Nếu California là một quốc gia thì nền kinh tế của nó lớn hàng thứ tám trên thế giới, với những điểm mạnh về nông nghiệp, công nghệ cao, ngành sản xuất chế biến, ngành giải trí và du lịch.
Ngoại thương của California đang hồi phục, tăng mạnh trong năm ngoái. Kinh tế gia Nancy Sidhu làm việc cho tổ chức tự bất vụ lợi phát triển kinh tế cho quận Los Angeles có tên là the Los Angeles County Economic Development Corporation cho biết khu vực công nghệ cao của bang cũng đang được cải thiện:
Bà nói: "Nhờ những ứng dụng mới của Internet, những ứng dụng mới cho điện thoại di động, và dĩ nhiên cho mạng truyền thông xã hội. Những công ty như Apple và Google, còn nhiều nửa kể ra không hết, đang thu dụng nhân viên. Họ đang tìm những nhân viên giỏi nhất, xuất sắc nhất."
Lượng hàng bán lẻ đã bù đắp được phần nào cho những thiệt hại do vụ suy thoái gây nên, và giới tiêu thụ đã bắt đầu chi tiền trở lại.
Nhưng doanh nhân bán sỉ Liang Liang đang trong tình cảnh trên búa dưới đe vì chi phí lên cao mà mức cầu lại thấp. Ông cho biết những mặt hàng nhập khẩu để trang hoàng nhà cửa và quà kỷ niệm cho du khách không bán được mấy, và giá vốn cho một chiếc áo thung bằng bông vải mà ông buôn đã tăng 25% kể từ tháng Giêng.
Ông nói:" Vâng, đối với tôi thì tình hình kinh tế vẫn còn bết bát."
Những người làm công việc tạm thời đang kiếm được việc và những người cung cấp dịch vụ chuyên môn, kể cả luật sư và chuyên viên kế toán, đang thấy tình hình dễ thở hơn. Sản xuất điện ảnh đang lên, và một số người trong ngành điện ảnh đang tìm được việc làm.
Nhưng California có rất nhiều vấn đề khó khăn, từ đường sá quá đông đúc, đường xe lửa, phi trường và hải khẩu đang xuống cấp vì đã cũ.
Theo kinh tế gia Susanne Trimbath bang California bị xếp hạng gần chót tại Hoa Kỳ về cơ sở hạ tầng. Bà là chuyên gia đang làm việc với Phòng Thương Mại Hoa Kỳ trong một cuộc nghiên cứu toàn quốc.
Bà cho biết các nông phẩm, cho dù là trái cây từ bờ duyên hải phía tây hay bắp từ Nebraska, đôi khi phải chở đi đường vòng vì đường sá bị hư hại.
Bà nói:” Nông phẩm từ ngoài đồng phải chất lên xe tải, chở đến một nhà kho rồi đưa lên xe lửa chở tới hải khẩu, và trong nhiều trường hợp, phải đi vòng từ 500 đến 1,000 dặm xuống phía nam trước khi đưa lên miền bắc vì chúng tôi không có mô thức nối kết trong hạ tầng cơ sở vận tải với nhau, điều mà chúng tôi rất cần tại Mỹ để có thể cạnh tranh trên toàn cầu.”
Giới phân tích nói rằng khó khăn lớn nhất của California là thị trường địa ốc u ám, đè nặng lên nền kinh tế và đưa tới việc thuế thu nhập của bang giảm sút, gây thiệt hại cho chính phủ và các trường học tại địa phương.
Tuy nhiên một số các nhà đầu tư tại thung lũng Silicon đang ăn nên làm ra, và 6 tỉ đô la bất ngờ thu được từ thuế lợi tức sẽ giúp cho bang này giải quyết khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
California vẫn còn cần tới gần 10 tỉ đô la để giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách, và nhiều giáo chức và nhân viên chính phủ đang phải đối mặt với nguy cơ có thể bị sa thải.
Các nhà phân tích doanh nghiệp nói rằng ngoài những chuyện phải sửa chữa trong ngắn hạn, California phải đối phó với những vấn đề dài hạn để có thể cạnh tranh, có đủ ngân sách để tài trợ cho các trường học cùng những dịch vụ khác và nâng cấp hạ tầng cơ sở.
Cuộc suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại nặng cho bang California và nhiều phần trong nền kinh tế bang này vẫn còn u ám. Mức thất nghiệp của bang gần 12%, cao hơn tỉ lệ trung bình toàn quốc đến 3%, và thị trường địa ốc của California là một trong những thị trường yếu kém nhất nước. Nhưng theo thông tín viên Mike O'Sullivan tường trình thì cũng có những khu vực kinh tế của bang đông dân nhất đang được cải thiện.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1