Đường dẫn truy cập

Calif.: Thu hút nhiều ứng viên gốc Việt nổi bật, chức Giám Sát Viên Quận Cam hứa hẹn cạnh tranh gay gắt


Một buổi họp của Hội đồng Giám Sát Quận Cam, California. (Photo OCgov.com)
Một buổi họp của Hội đồng Giám Sát Quận Cam, California. (Photo OCgov.com)

Lời Toà Soạn: Nội dung dưới đây là bản cập nhật và khai triển bài viết nguyên thuỷ ngày 12 tháng Bảy, đưa tin Thượng Nghị Sĩ bang California, Janet Nguyễn, tuyên bố sẽ ứng cử chức vụ Giám Sát Viên Quận Cam, Địa Hạt 1, California. Nội dung cập nhật đưa tin và phân tích toàn bộ cuộc tranh cử sẽ diễn ra vào tháng Ba sang năm, với tất cả 7 ứng viên, trong đó 6 người gốc Việt, mà những người am tường dự đoán sẽ là cuộc tranh cử "gay cấn" nhất cho khu vực Little Saigon trong năm 2024.

***

Với con số cho đến thời điểm này là sáu ứng cử viên gốc Việt, cuộc chạy đua vào chức vụ giám sát viên Địa Hạt 1, Quận Cam, California, được dự đoán sẽ là cuộc tranh cử “gay cấn” và “cạnh tranh” nhất cho khu vực Little Saigon, một trong những cộng đồng Việt Nam đông nhất nước Mỹ, theo những người quan sát có kinh nghiệm.

“Tôi nghĩ rằng cuộc tranh cử cho chức vụ giám sát viên Orange County (Quận Cam), Địa Hạt 1, vào kỳ bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra vào tháng Ba năm tới sẽ là cuộc tranh cử cạnh tranh nhất trong khu vực Little Saigon vì nó quy tụ một số khuôn mặt kỳ cựu trong lĩnh vực chính trị, và vì thế nên sự cạnh tranh, tranh giành, lời qua tiếng lại cũng sẽ căng thẳng rất nhiều so với những cuộc tranh cử khác vào năm tới”, ông Tyler Diệp, cựu Dân biểu bang California, đưa ra nhận định với VOA.

Cho tới thời điểm này, có sáu người gốc Việt và một người không phải gốc Việt, lên tiếng sẽ tham gia tranh cử. Trong số này, bốn người đã thiết lập quỹ tranh cử.

Những người tuyên bố ứng cử bao gồm: bà Kimberly Hồ, Nghị viên thành phố Westminster; bà Frances Marquez, Nghị viên thành phố Cypress; ông Trần Thái Văn, cựu Dân biểu California; bà Janet Nguyễn, Thượng nghị sĩ California; ông Michael Võ, cựu Thị trưởng Fountain Valley; ông Dương Đại Hải, nhà truyền thông; và ông Ngô Đình Lượng, Ủy viên Giao thông thành phố Westminster.

Trong số các ứng cử viên, duy nhất bà Janet Nguyễn từng giữ chức vụ này, từ năm 2007 đến 2014.

Chức vụ Giám sát viên Quận Cam, Địa hạt 1, California, hiện do ông Andrew Đỗ nắm giữ. Ông sẽ hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2025 và không thể tái cử do luật giới hạn nhiệm kỳ: Tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ bốn năm.

Vai trò của giám sát viên

Hội Đồng Giám Sát là nơi đưa ra các quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân, như vấn đề tội phạm, tình trạng vô gia cư, chi phí sinh hoạt, giao thông, y tế, chăm sóc sức khỏe, cho đến việc giữ sạch các bãi biển.

Cựu Dân biểu Tyler Diệp, cũng từng là phụ tá cho hai Giám Sát Viên Quận Cam, là Michelle Steel (hiện là dân biểu liên bang Hoa Kỳ) và Lisa Bartlett, giải thích về chức vụ này: “Một dân biểu liên bang có thể đưa ra những đề nghị trong chính sách quốc gia để chuyển ngân sách về cho California, Quận Cam, hay một thành phố. Nhưng họ không phải là cơ quan quyết định số tiền đó sẽ được chi tiêu cụ thể như thế nào. Các thành viên của Orange County mới là người quyết định rằng ngân sách của tiểu bang, ngân sách của quận hạt hay liên bang sẽ được phân phối như thế nào, một cách chi tiết”.

Vì nắm trong tay quyền quyết định nhiều vấn đề “sát sườn” với cuộc sống thường nhật của người dân, nên người được bầu vào vị trí giám sát viên cần phải hội đủ một số điều kiện cần thiết, theo bà Tammy Trần, người từng là phụ tá cho Giám sát viên Quận Cam Lou Correa (hiện là dân biểu liên bang Hoa Kỳ).

“Người ứng cử tốt nhất là, thứ nhất phải có học, rồi phải hiểu biết vấn đề tài chính, phải có sự liên hệ làm việc chặt chẽ với các cấp chính phủ tại tiểu bang cũng như liên bang, và cuối cùng là người có thể thuyết phục được những giám sát viên khác bầu theo ý của họ để giúp cho cử tri trong địa hạt mình”. Theo nhận định của Tammy Trần.

Sự phát triển của dân chủ

Với số lượng bảy người tuyên bố sẽ ra tranh cử, trong đó có sáu người gốc Việt, cuộc tranh đua được dự tính sẽ rất “nóng”, đồng thời đề ra khả năng bị “chia phiếu” khi cộng đồng cử tri gốc Việt có nhiều lựa chọn hơn thay vì chỉ có một ứng viên gốc Việt.

“Chia thì cũng có chia, nhưng may là cách thức bầu cử cho chức vụ này là có vòng sơ bộ, rồi sau đó, hai ứng cử viên nào có số phiếu bầu cao nhất trong kỳ bầu cử vào tháng Ba thì mới vào vòng chung kết. Cho nên, trong vòng một thì có sự phân chia phiếu bầu, nhưng sau cùng thì cử tri cũng sẽ có sự chọn lựa gọn gàng hơn khi họ bỏ lá phiếu cuối cùng cho chức vụ này vào tháng 11 năm 2024”, cựu Dân biểu Tyler Diệp, từng là đảng viên Cộng Hòa, nhưng trở thành “độc lập” từ năm 2021, cho biết.

Trong khi đó, bà Tammy Trần, người theo đảng Dân Chủ, có một góc nhìn khác về sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên gốc Việt:

“Sự cạnh tranh đó nói lên sự trưởng thành của cộng đồng Việt Nam chúng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam đâu có sự cạnh tranh như vậy đâu. Ở đây, sinh hoạt dân chủ thì phải có sự cạnh tranh, để cử tri có sự lựa chọn. Trước đây, lúc nào có người gốc Việt ứng cử, thì người Việt nên ủng hộ người Việt, người Việt nên bầu cho người Việt. Ngày hôm nay, chúng ta có cơ hội không phải chỉ bầu cho người Việt Nam thôi, mà mình có thể bầu cho người Việt Nam hoặc cho người ứng cử xứng đáng nhất, có khả năng nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất để đại diện cho cộng đồng Việt Nam của chúng ta hoặc đại diện cho tất cả cử tri trong vùng”.

Theo nhận định của giới quan sát, trong số các ứng viên tham gia tranh cử kỳ này có nhiều ứng viên gốc Việt nổi bật, với nhiều kinh nghiệm làm việc trong chính giới Mỹ, nên việc lựa chọn một cái tên cho lá phiếu của mình cũng là một quyết định cần phải suy nghĩ thấu đáo.

Theo bà Tammy Trần, có nhiều ứng cử viên là một điều tốt, vì cử tri “có thể đi sâu tìm hiểu khả năng và quá trình làm việc” của từng người, từ quá khứ làm việc trong chính giới, sinh hoạt trong đảng, quá trình làm việc tốt - xấu.

“Tôi nghĩ mình nên nhìn vào khả năng làm việc của họ một khi họ đắc cử. Với chức vụ (giám sát viên) quận Cam, người làm việc phải có sự liên hệ với nhiều người trong chính giới, ở mỗi tầng trong chính phủ: liên bang, tiểu bang cũng như ở địa phương. Ví dụ, nếu một ứng cử viên có sự ủng hộ của Chủ tịch Hạ viện của tiểu bang, có sự ủng hộ của dân cử ở cấp liên bang, có sự ủng hộ của người trong cả hai đảng, Dân Chủ và Cộng Hòa, thì mình biết là nếu người đó đắc cử, người đó sẽ có khả năng làm việc hiệu quả”, cựu phụ tá giám sát viên đưa ra khuyến nghị.

Ông Tyler Diệp thì cho rằng các cử tri gốc Việt nên tận dụng lá phiếu của mình để ngoài việc đưa ra lựa chọn của riêng mình, còn góp phần làm mạnh lên tiếng nói của cộng đồng người Việt trong sinh hoạt chính trị dòng chính.

Ông nói: “Tôi chỉ khuyên cử tri người Mỹ gốc Việt là nên dùng lá phiếu của mình, không thì uổng lắm, vì mỗi lá phiếu là mỗi tiếng nói của chúng ta. Họ nên đi bỏ phiếu, nên tham gia và khuyến khích thành viên trong gia đình đi bỏ phiếu. Dù là trong kỳ bầu cử sơ bộ vào tháng 3, có thể là chúng ta có đến 5 hay 6 người Mỹ gốc Việt, nếu cử tri Việt Nam đi bỏ phiếu đông thì điều đó thể hiện là cộng đồng chúng ta quan tâm đến sinh hoạt chính trị dòng chính, và các ứng cử viên bản xứ cũng nên lấy đó làm một thông điệp rằng cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng cần được o bế khi họ quyết định các vấn đề chi tiêu ngân sách của quốc gia”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG