Cùng một ngày, tôi đọc được 2 mẩu tin, một về vị giám đốc sở giáo dục Seoul, Nam Triều Tiên, và tin kia về Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam. Tin thứ nhất cho thấy vị giám đốc sở giáo dục Seoul cúi rạp người xuống trước ống kính truyền hình để xin lỗi người dân vì đã đặc cách cho một trường hợp con ông cháu cha (COCC) được vào trường đại học không cần thi cử cũng như xét tốt nghiệp phổ thông cho học sinh này dù chỉ đến trường có 17 ngày trong 1 năm học. Tin thứ hai cho thấy ngài Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam ngồi chễm chệ trên ghế họp tại hội trường, ban phát ý kiến về vụ hàng loạt các giáo viên nữ bị điều đi uống rượu tiếp khách tại nhà hàng, cho rằng đấy không phải chuyện to tát, chỉ là “vui vẻ” mà thôi. Ông còn nói “khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức nhà giáo mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc… Bản thân mình cứ đổ cho người khác thì không công bằng.” Ngành giáo dục Việt thực sự đang quá lôm côm khi báo chí truyền thông đi soi xét đào bới những câu chuyện mang tính chất giải trí như vậy.
Đọc 2 tin vừa kể, thấy rõ được tầm phát triển của đất nước đang ở mức độ nào.
Sự phẫn nộ của người dân Nam Triều Tiên không giống ta, không phải ở chuyện ngày hôm nay các cô giáo thầy giáo đã đi tiếp khách ở đâu, tủi hổ như thế nào mà là họ đã dùng cái mác giáo dục của mình để lộng hành ra sao? Mới đây tại Việt Nam, sinh viên trường Đại học dân lập Hoa Sen thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung giơ biểu ngữ phản đối quyết định của Ủy ban nhân dân về việc tham gia thay đổi công nhận hội đồng quản trị mới của trường này mà không thông qua ý kiến của sinh viên. Tuy nhiên, tin tức này không tạo được một làn sóng lớn nào tại nước nhà. Trên một số trang tin tức báo chí, các sinh viên bị gán cho cụm từ thông dụng quen thuộc “bị xúi giục”, “bị kích động.” Sự kiện này tương tự như sự kiện nữ sinh trường EWHA (Ehwa Woman University) ở Nam Triều Tiên biểu tình kiên quyết buộc hiệu trưởng trường từ chức sau hàng loạt vụ bê bối lợi dụng chức vụ thành lập các quỹ học mờ ám mà đằng sau là sự bảo kê của các tay chính trị quyền lực. Cuộc biểu tình được cho là phong trào dân chủ mới tại Nam Triều Tiên.
Nam Triều Tiên tại thời điểm hiện nay là một đất nước với nền văn hóa giằng xé giữa phương Tây và phương Đông. Mặc dù thể chế chính trị của họ đã chuyển sang chế độ dân chủ từ lâu, nhưng cách vận hành xã hội, quan hệ vẫn theo hơi hướng truyền thống tôn ti trật tự hết sức nặng nề. Tham nhũng, thao túng quyền lực tại trường học, cơ quan, văn phòng từ các “đấng bề trên” vẫn đầy rẫy nhưng được vận hành một cách tinh vi, và “bề dưới” ít dám lên tiếng. Mãi đến năm nay, gần hết nhiệm kỳ của Tổng thống Park Geun Hye, vì sự lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn qua những chính sách độc tài vô lý của bà, truyền thông sôi sục và phát hiện được rất nhiều vụ bê bối chính trị làm công chúng phẫn nộ. Phong trào dân chủ Ehwa đã đi lên từ vụ việc này, đặt viên gạch đầu tiên trong việc phá vỡ những “tôn ti trật tự” lâu đời tại Nam Triều Tiên, và kỳ lạ thay, cuộc biểu tình của các nữ sinh đã được dân chúng cả nước ủng hộ nhiệt liệt.
Tất cả những thông tin vừa nêu cho thấy rằng không có một đất nước, một xã hội nào là hoàn hảo. Nhưng sự tốt đẹp là ở chỗ người dân sống trong xã hội đó biết được điều gì là tốt, là xấu để đấu tranh và vươn lên. Chúng ta đang lầm lạc, mâu thuẫn giữa các giá trị đạo đức, khi mà giáo viên đi dự tiệc rượu là trái thuần phong mỹ tục với 2 chữ “nhà giáo” nhưng vô tư nhận phong bì tiền mừng, tiền thưởng để nâng đỡ học sinh thì được chấp nhận. Sinh viên chọn lựa ngôi trường mình học là điều hiển nhiên nhưng đấu tranh cho môi trường học của mình thì bị đe dọa, cấm đoán. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ có thể không cần phải đứng ra nhận lỗi cho các cô giáo bị đem ra làm tiếp tân trong bữa tiệc chào mừng nọ, nhưng rõ ràng ông cần phải cảm thấy xấu hổ với hệ thống giáo dục đầy bất cập với sự chu cấp đãi ngộ không xứng đáng dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, mà vụ việc trên chỉ là một ví dụ nhỏ. Tư duy giáo dục vô trách nhiệm của những kẻ đương nhiệm đã tạo nên một ngành giáo dục hổ lốn, chắp vá mà đau lòng thay, người chịu ảnh hưởng trực tiếp lại chính là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.