Sống ở Việt Nam hiện nay là sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Nỗi sợ hãi ấy lan ra tận những người Việt Nam sống ở nước ngoài. Tôi có một số người thân và người quen, trước đây, thường về Việt Nam khá thường xuyên; gần đây, nói đến chuyện về nước, họ bỗng e dè hẳn. Lý do? – Vì sợ!
Có vô số chuyện để sợ. Trước hết và phổ biến hơn hết, là sợ tai nạn giao thông. Chuyện kẹt xe, đụng xe và ngã xe vốn đã có ở Việt Nam từ lâu, nhưng rõ ràng là tình trạng ấy không hề được cải thiện chút nào cả; nếu không muốn nói, ngược lại, càng ngày càng tệ.
Mà cũng phải. Dân số ở các thành thị càng ngày càng tăng, các phương tiện giao thông, từ xe gắn máy đến xe hơi càng lúc càng nhiều, mà đường xá thì, nói chung, rất ít và rất chậm thay đổi. Các biện pháp hành chính được đưa ra thì vá víu, hết ngăn lại tháo, hết tháo lại ngăn, tuỳ hứng. Bởi vậy, chuyện kẹt xe là chuyện hằng ngày, thậm chí, hằng giờ. Dắt xe ra khỏi nhà, không ai biết chắc bao lâu mình tới được chỗ làm hay chỗ hẹn.
Mà không phải chỉ kẹt xe. Xe nhiều, chạy ẩu, tai nạn xảy ra dồn dập. Nhẹ thì bị quẹt trầy và móp xe. Nặng hơn nữa thì bị thương vong. Theo các con số thống kê chính thức, ở Việt Nam, ngày nào cũng có cả hàng trăm tai nạn và hàng chục người bị chết vì những tai nạn trên đường phố. Ví dụ trong năm 2007, có gần 13.000 người chết vì tai nạn giao thông. Theo World Health Organization (WHO), con số ấy chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Nhưng ngay cả sai khi bị hạ thấp như vậy, tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông trên tổng dân số cũng rất cao: 15 người trên 100.000 người. Tính trung bình, mỗi ngày có ít nhất 35 người bị chết vì xe cộ trên đường phố. Số người bị thương tật với những mức độ khác nhau do tai nạn giao thông lại càng nhiều. Có khoảng 42% thanh niên trong lứa tuổi từ 22 đến 25 bị thương vì tai nạn giao thông ít nhất là một lần.
Theo thống kê của Việt Nam, chỉ trong mười tháng đầu năm nay (từ tháng 1 đến hết tháng 10), trong cả nước đã có gần 40.000 tai nạn giao thông làm chết gần 10.000 người và làm bị thương 37.000 người khác. Một con số kinh khủng so với dân số cả nước.
Mấy năm trước, thỉnh thoảng về Việt Nam, tôi sợ tai nạn giao thông đến độ không dám tự mình lái xe gắn máy, đã đành; tôi cũng sợ cả việc ngồi sau xe cho người khác lái. Thường, tôi đi tắc xi. Nhưng bây giờ, đọc báo trong nước mới thấy, ngay cả khi ngồi trên xe hơi cũng chưa chắc đã an toàn. Lý do là càng ngày càng có nhiều xe hơi và xe tải. Xe hơi đụng nhau hoặc đụng vào xe tải thì...không chết cũng lết. Chưa hết. Gần đây xuất hiện nhan nhản trên các đường phố các “hố tử thần” nữa. Xe đang phóng phom phom trên đường phố, bỗng “Ụp!”, mặt đường đang trơn phẳng bỗng dưng sụp xuống, sâu hoắm, mũi xe hay có khi cả nửa trước của chiếc xe sụp hẳn xuống hố. Người trong nước gọi tên rất đúng: hố tử thần!
Thôi, hay là đi bộ chăng? Nhưng đi bộ thì làm sao băng qua đường được an toàn? Lời khuyên thường nghe: cứ nhìn thẳng và đi thẳng để cho xe cộ tránh mình, thật tình, không thể tin cậy được. Đã đành là phần nhiều chúng có hiệu quả. Bởi chẳng có người lái xe nào muốn gây ra tai nạn. Nhưng “phần lớn” không có nghĩa là tất cả. Còn cái “phần nhỏ” kia là bao nhiêu? Chẳng vui chút nào khi được nằm trong cái “phần nhỏ” ấy cả.
Nhưng đi bộ không phải chỉ đối diện với nguy hiểm khi phải băng qua đường. Ngay cả khi đi trên lề đường cũng không tránh khỏi lo âu. Cứ nhìn lên chùm dây điện chằng chịt và lơ lửng trên đầu thì biết. Báo chí trong nước thỉnh thoảng loan tin một dây diện nào đó rớt xuống. Người nào xui xẻo đi ngang qua, bị dây điện ấy đụng phải thì chỉ có nước theo “Bác” đi gặp Karl Marx và Lenin sớm.
Nói đến tai nạn, không nên quên một nguy cơ khác: chết đuối. Và người ta không phải chỉ chết đuối khi có lũ lớn như những cơn lũ kỷ lục ở miền Trung vào đầu tháng 10 vừa qua. Người ta có thể chết đuối khi đi trên sông hay ngay trên đường phố vào những ngày mưa hơi lớn: ví dụ sảy chân xuống một cái hố hay miệng ống cống nào đó, chẳng hạn. Đọc “Một nguyên nhân dẫn đến tử vong và tật nguyền ở Việt Nam” trên trang mạng của WHO, tôi giật mình thấy con số này: riêng năm 2001 đã có hơn 12.500 trẻ em Việt Nam bị chết đuối!
Cũng theo tài liệu trên, số người bị chết vì thương tật hoặc bạo động tại Việt Nam thuộc loại cao nhất ở vùng Tây Thái Bình Dương: Hơn 36% số người chết trong lứa tuổi từ 5 đến 29 xuất phát từ thương tật và bạo động. Nói chung, đối với các thanh niên trong lứa tuổi từ 15 đến 29, thương tật và bạo động là nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết (nguyên nhân thứ nhất là tai nạn giao thông!).
Ra đường thì sợ xe đụng, dây điện rớt, lũ cuốn hay bị ai đó gây sự lấy dao lụi vào ngực, thôi thì ru rú ở nhà vậy nhé?
Nhưng ở nhà hoặc chỉ chạy ra một tiệm ăn nào đó ở đầu ngõ liệu có an toàn không?
Không. Tên sát thủ nằm ngay trên bàn ăn của bạn đấy! Bạn cứ vào Google, thử gõ mấy chữ “an toàn thực phẩm” thì thấy ngay. Những cảnh thịt thối hoăng cả tuần lễ vẫn được bày bán và được dùng để chế biến thực phẩm không phải hiếm.
Cách đây một, hai năm, đọc báo trong nước, tôi thấy một bản tin làm tôi giật nẩy cả mình: những người thợ săn, sau khi giết được một con thú nào đó, ví dụ vào ngày đầu tiên của chuyến đi săn, họ sẽ đào đất lên, chôn con thú và làm dấu trên “nấm mộ”; mấy ngày, thậm chí, cả tuần lễ sau, trên đường đi săn về, họ sẽ đào nấm mộ lên, lấy chôn thú ra và mang về bán. Bạn sẽ hỏi: với một thời gian như thế, chắc chắn thịt con thú đã bắt đầu rữa, dòi bọ sẽ bò tứ tung, và mùi thì chắc hẳn là khủng khiếp lắm.
Đúng. Nhưng, không sao cả, bạn ạ. Những người đi săn và bán thịt “lành nghề” lắm. Họ sẽ tẩy rửa, thêm hóa chất và bột màu vào, thịt con thú sẽ lại hồng đỏ và thơm nức mũi ngay! Cách đây mấy tuần, báo chí trong nước cũng tiết lộ: cả mấy tấn thịt thối được chở đi phân tán trong nhiều khu chợ khác nhau. Phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bạn sợ ăn thịt chưa? Nếu sợ, bạn sẽ ăn gì? Rau trái chăng? Để trừ sâu, để rau trái phát triển nhanh và để bảo quản chúng được lâu, người Việt Nam và cả Trung Quốc nữa, không ngần ngại dùng bất cứ thứ hóa chất độc hại nào. Bởi vậy mới có chuyện người dân trong nước mua trái cây của Trung Quốc. Vỏ rất mướt, để cả mấy tuần lễ, vẫn mướt! Nhưng bổ ra thì mới biết trong ruột đã thối hinh từ lúc nào!
Ồ, vậy thì chỉ ăn cơm thôi! Bạn nghĩ vậy ư? Xin trích tặng bạn một đoạn văn lấy từ một tờ báo trong nước:
“Gạo là lương thực chính, lâu nay vẫn được đánh giá là có chất lượng an toàn. Nhưng theo báo cáo của Bộ NNPTNT [Nông nghiệp và phát triển nông thôn], vừa qua, Nhật Bản đã thông báo trong gạo VN xuất khẩu bị nhiễm hoá chất BVTV Acetamipri với mức tồn dư 0,03ppm, vượt ngưỡng cho phép (0,01ppm). Nga đã ngừng nhập khẩu gạo Việt Nam. Điều này đang ảnh hưởng xấu đến sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, đồng thời cũng gây hậu quả lên sức khoẻ nhân dân. Theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có 200.000 người bị ung thư, trong đó có 150.000 người chết. Khoảng 35% trong số bệnh nhân ung thư do nguyên nhân sử dụng thực phẩm độc hại.”
Vậy bạn đừng ăn gì hết, chỉ uống nước sống qua ngày nhé? Nhưng bạn có tin là nước uống, kể cả nước đóng chai, an toàn không? Cũng lại báo chí trong nước cho biết: rất nhiều chai nước gọi là “tinh khiết” ấy chẳng tinh khiết chút nào cả. Rất nhiều công ty chế biến nước “tinh khiết” một cách hãi hùng: cứ lấy nước sông hay nước giếng đổ vào chai, đậy nắp lại và dán nhãn vào rồi tung ra thị trường! Có khi người ta còn lấy nước giếng ngay trong khu nghĩa trang, bên cạnh các nấm mộ còn mới tinh!
Nhớ, cách đây mấy năm, một học giả người Đức, trong một chuyến sang Úc, kể với tôi anh từng ở Việt Nam nhiều năm để học tiếng Việt và để nghiên cứu. Câu chuyện lan man sang chuyện ăn uống. Tôi hỏi anh: Bộ anh không sợ thức ăn Việt Nam hả? Anh cười đáp: Chẳng có gì phải sợ cả. Thức ăn thì chọn thức ăn nóng: vi trùng hay vi khuẩn gì cũng chết sạch. Còn trái cây thì chỉ ăn loại trái cây có vỏ có thể bóc ra được.
Thật ra, đó là một quan niệm ngây thơ. Vi sinh, vi khuẩn, vi trùng đều có thể bị diệt trong các loại thức ăn được nấu chín. Nhưng còn độc tố do các hóa chất mang lại? Việc nấu chín hay không nấu chín, trong trường hợp này, thật ra, chẳng khác nhau mấy.
Đọc đến đây, tôi đoán một số bạn đọc sẽ phản đối, cho là tôi cường điệu, và cho là hơn 85 triệu dân đang sống trong nước có sao đâu? Xin trả lời bằng một câu hỏi: Sao bạn biết là không sao? Con số những người chết vì tai nạn giao thông hay vì thực phẩm độc hại mà báo chí Việt Nam thường cung cấp không đủ thuyết phục bạn sao?
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.