“Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Ôm một mối mơ...”
Hồi nhỏ, hằng năm vào độ Rằm Tháng Tám, mỗi khi nghe lũ trẻ nghêu ngao ngoài đầu ngõ là thể nào tôi cũng hỏi.
“Mẹ ơi, tại sao người ta lại gọi Cuội già là “thằng” hở mẹ?”
“Tại Cuội nói dối.”
“Mẹ ơi, Chị Hằng lên trăng hay chú Cuội lên trước hở mẹ?”
“Chắc... Chị Hằng.”
“Sao mẹ biết?”
Mẹ tôi ngần ngừ, “Vì mẹ nghe chuyện Hằng Nga Hậu Nghệ trước.”
“Chuyện như thế nào hở mẹ?”
Mặc tôi hỏi nhây, cứ mỗi độ Trung Thu, thể nào mẹ cũng dỗ tôi ngủ bằng cái câu chuyện mà tôi đã thuộc nằm lòng.
“Ngày xửa, ngày xưa, thuở quỷ thần còn hỗn mang, có chín con quạ tu luyện thành tinh biến thành chín mặt trời. Chín mặt trời ngày đêm tỏa ánh sáng hừng hực như muốn thiêu đốt thế gian. Sông ngòi khô cạn, đất đai nứt nẻ, đồng ruộng xác xơ. Thiên hạ chết khát, chết đói la liệt khắp nơi. Dân tình than oán như đã đến ngày tận thế.
Ở kinh thành, nhà vua rao truyền trong dân gian, ai làm tắt được chín mặt trời, ngài sẽ gả con và nhường ngôi cho. Những bậc hiền tài khắp nơi đều mong giúp nước, nhưng không ai đủ sức giương cung bắn tới mặt trời.
Có một hôm, giữa lúc nhà vua đang tuyệt vọng nhất thì có một người tự xưng là Hậu Nghệ vác một cây cung thật to, xin vào yết kiến. Thấy chàng khôi ngô, lực lưỡng, vua rất thuận lòng. Hậu Nghệ xin lên núi cao, vận hết thần lực giương cây cung chín thước. Khi chàng buông cung, tên lao vun vút rồi mất dạng giữa bóng mặt trời. Trong chín ngày, chàng bắn chín phát, mỗi phát trúng một mặt trời. Tới ngày thứ chín, bầu trời chỉ còn lại một mặt trời nguyên thủy. Nắng lửa không còn. Không gian trở nên mát mẻ.Thiên hạ khắp nơi vui mừng nhảy múa, nhà vua cũng đẹp dạ truyền gả Hằng Nga và nhường ngôi cho. Trên thiên đình, Bà Tây Vương Mẫu cũng cảm kích tặng Hậu Nghệ một viên linh đơn trường sinh bất tử. Hậu Nghệ giấu kín linh đơn, cái bí mật này chàng chỉ tiết lộ với Hằng Nga, người vợ xinh đẹp nhất đời của mình.
Từ khi lên ngôi, Hậu Nghệ thường ỷ công bắn hạ mặt trời nên đâm ra kiêu ngạo. Một hôm nhân lúc chàng mải mê săn bắn, Hằng Nga tò mò lấy thuốc ra xem. Đúng lúc đó, Hậu Nghệ trở về. Sợ chồng bắt được quả tang, Hằng Nga túng thế nuốt vội viên thuốc. Thuốc thần hiệu nghiệm, thân thể Hằng Nga trở nên nhẹ hẫng, từ từ bay bỗng lên cao. Hậu Nghệ đành bất lực, trơ mắt mà nhìn Hằng Nga mất dấu trên trời.
Từ đó, đời đời tương truyền, Hằng Nga bay lên cung trăng và sống cô độc một mình giữa chốn khôn cùng.
Mấy ngàn năm trôi qua.
Nhân loại già rồi chết.
Chỉ có một người cứ sống. Sống mãi... Sống mãi.
Tôi nhìn lên trăng, lòng đầy thương cảm. Ai hoài cho một người bị giam cầm trong cõi mịt mùng.
Dân gian kể, mỗi năm vào độ Trung Thu, đúng vào lúc trăng sáng nhất, Chị Hằng sẽ bước ra ngoài cung trăng để vũ khúc Nghê Thường.
Hồi nhỏ, tôi tin là thật, nhiều đêm cứ đăm đăm nhìn lên trời để mong rình gặp Chị Hằng.
Ôi! Tuổi thơ tôi. Và những mùa trăng đếm được.
Ngày 21 tháng 7 năm 1969. Thế giới chấn động. Phi thuyền Apollo 11 đưa con người đặt bàn chân đầu tiên lên tới mặt trăng.
“That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.”
“Đó là bước nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhẩy vọt vĩ đại cho nhân loại.”
Cả thế giới đứng tim theo dõi bước đi của Neil Amstrong.
Còn tôi, tôi cũng đứng tim theo dõi bước chân của... một người khác.
“Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.”
Tôi thấp thỏm. Tôi lo âu. Cứ nghĩ đến nỗi mong nhớ trần gian của Chị Hằng thì biết. Khó mà tưởng tượng! Mấy ngàn năm trôi qua! Bao nhiêu lần hình dung ra cảnh Chị Hằng chạy như bay tới chỗ Neil Amstrong. Là trái tim tôi nức nở. Chị không thể nào bỏ qua. Chị không thể nào không biết. Cơ hội mấy ngàn năm có một như vầy.
Nhưng Neil Amstrong đã không gặp Chị Hằng. Một dấu vết nhỏ cũng không. Mặt trăng chưa từng có sự sống.
Thế thì Hằng Nga đi đâu?
Nếu Hậu Nghệ là một nhân vật lịch sử thì Hằng Nga không phải là một nhân vật chỉ có trong huyền thoại. Chính sử Trung Quốc viết, Hậu Nghệ là vua nước Hữu Cùng. Hữu Cùng là một nước chư hầu tí hon thời Nhà Hạ. Ông nổi tiếng thần xạ, bách phát bách trúng. Năm 2188 TCN, vua Nhà hạ là Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Nhưng Thái Khang là kẻ ham chơi, thích săn bắn, không quan tâm đến triều chính và tin dùng Hậu Nghệ. Mỗi lần săn bắn thường mời Hậu Nghệ đi cùng. Thấy Thái Khang bỏ bê chính, hậu Nghệ nảy sinh ý định cướp ngôi.
Một hôm, nhân dịp Thái khang rời kinh đi săn ở đất Lạc, Hậu Nghệ một mặt bí mật sai quân ở nước Hữu Cùng bất ngờ tấn công kinh đô Nhà Hạ, một mặt đem quân phong tỏa lối về của Thái Khang.
Nghe tin có biến, Thái Khang vội vàng mang quân trở về, nhưng không phá nỗi vòng vây, đành dẫn quân sang các nước chư hầu.
Thái Khang định liên kết với chư hầu đánh Hậu Nghệ, nhưng vì chư hầu không phục, đành lưu vong rồi mất ở nước ngoài.
Hậu Nghệ sau khi cướp được Nhà Hạ lại tỏ ra kiêu ngạo, lại bắt chước như Thái Khang đắm mình trong tửu sắc, mê săn bắn và bỏ bê việc nước. Nhiều trung thần can ngăn nhưng Hậu Nghệ lại đâm oán ghét rồi điều họ đi nơi khác. Một người bề tôi tên là Hàn Trác thấy thế cũng nảy sinh ý định cướp ngôi.
Hàn Trác là kẻ giảo hoạt, dùng lời xu nịnh, tán tụng Hậu Nghệ lên tận mây xanh. Hậu Nghệ hết lòng tin tưởng, trao hết triều chính cho Hàn Trác để hưởng lạc. Hàn Trác thường xuyên ra vào cung cấm, lộng quyền, lại còn cả gan tư thông với Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ.
Về sau, có kẻ mật báo, Hậu Nghệ tức giận cầm gươm vào cung tra vấn. Trong cơn ghen tột độ đã giết chết Hằng Nga. Sau đó phao lên, Hằng Nga lén uống linh đơn nên bay về trời. Tin từ miệng vua truyền, không ai dám tra vấn hay nghi ngờ chi cả. Câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác, mỗi người thêm thắt, riết thành huyền thoại.
Mà huyền thoại bao giờ cũng sáng rực trong thi ca.
Xưa nay, có thi sĩ nào mà lại không yêu trăng?
Giả sử, trời không có trăng, đêm sẽ buồn biết mấy! Thi ca sẽ là những dòng chữ tối tăm, mờ mịt.
Trong bài Điểu Minh Giản, Vương Duy viết
“Người nhàn hoa quế rụng.
Đêm Xuân núi đìu hiu.
Trăng lên chim thảng thốt
Khe Xuân vọng tiếng kêu”
Đêm trong núi, bất chợt có ánh trăng nhô lên, lồng lộng sáng trên đầu ngọn rừng, làm con chim phải bàng hoàng, giật mình mà thảng thốt. Hóa ra, vạn vật đều say trăng, không cứ chỉ con người.
Trăng chỉ có một nhưng mỗi người yêu mỗi cách.
Nhà thơ Lý Bạch Trung Hoa đôi lúc cũng hỏi trời, hỏi trăng.
“Trời xanh, trăng có tự bao giờ?
Nâng chén, đêm nay hỏi một câu.
Người với lên trăng, vin chẳng được.
Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.”
Trăng tự ngàn xưa mà trăng vẫn mới.
Thơ của người xưa sao ý vẫn mới?
Trăng chỉ có một, mà người mỗi nước yêu mỗi khác.
Trong thơ Việt, nhà thơ kéo trăng xuống đời.
“Gió theo lối gió, mây đường mây.
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Mà hình như chỉ ở Việt Nam, trăng mới đầy huyền thoại. Chị Hằng trong trăng, trăng hóa Chị Hằng.
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu.
Đợi gió Đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động.
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!”
Hay trăng của Vũ Hoàng Chương,
“Sao đọng kim cương sáng ngập bờ
Lúa thì con gái mượt như tơ
Gốc đa cổ thụ duyên còn đượm
Và cái trăng vàng quá lẳng lơ”
Trăng chỉ có một, sao trăng Việt Nam lại lẳng lơ hơn? Chị Hằng cũng có một, sao Chị Hằng trong mắt Việt lại gợi tình hơn? Hay chỉ tại nhà thơ Việt quá đa tình? Đến nỗi “thi cuồng” Bùi Giáng cũng lên tiếng trêu,
“Trăm năm tắm gội dưới trời
Ngày thì tắm nắng, tối rồi tắm trăng.
Nhớ em tắm với chị Hằng
Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn.”
Nhưng yêu trăng nhất có lẽ chính là Tô Thùy Yên, nhà thơ lớn của Việt Nam, một tâm hồn lớn mở hết với trăng.
“Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi.
Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.”
Trăng tít tận trời, mà trăng gần gũi như người bạn. Thức trắng đêm để chơi với trăng. Yêu trăng hằng đêm, yêu trăng tới nỗi khi nghĩ đến cái chết mai sau, mình mất rồi thì sẽ trăng quạnh quẽ mà chạnh lòng. Yêu đến vậy thì tột cùng. Thì mới là yêu nhất.
Năm 1983, tôi đi vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ chòng chành giữa trùng khơi mịt mùng. Sinh mạng mong manh, mỏng tựa sợi tơ, chỉ chực đứt đời khi trời gió nổi. Mấy đêm liền trời tối đen như mực, chúng tôi 62 người như những người mù ngồi im trong bóng tối. Tôi giơ bàn tay, bàn tay cũng chìm trong cái mầu đen kịt. Tôi nghĩ đến cái chết của một con người. Của tôi. Giống như một dấu chấm nhỏ nhoi đột nhiên biến mất. Không hề gây ra một xao động nào. Một sự tĩnh lặng tuyệt nhiên trong trời đất.
Vậy mà hôm sau trời lại có trăng. Một lần trong đời ngắm trăng trên biển. Tôi như con chim trong thơ Vương Duy bỗng giật mình thảng thốt kêu. Những thi sĩ không yêu trăng quá đà. Thơ không hề cường điệu. Không có nơi nào đẹp bằng trăng trên biển. Trên núi non, trên sông ngòi, mặt đất hẹp quá nên trăng không giải hết. Chỉ có biển, biển mới đủ rộng cho thỏa tình trăng tỏa. Đêm đó tôi ngồi giữa biển trăng mà chảy nước mắt. Những giọt nước mắt cảm động tạ ơn Thượng Đế. Cảm ơn Ngài đã cho tôi một ân phước lớn trong đời. Trước khi chết còn thấy được một kỳ công của tạo hóa. Biển trăng.
Bây giờ, cũng đang là mùa trăng.
Đã lâu, tôi không ai nghe ai hát bài “Ánh trăng trắng ngà...”
“Mẹ ơi, không có ai ở trên cung trăng đâu mẹ.”
“Mẹ ơi, thằng Cuội không phải là kẻ nói dối nhất đâu mẹ?”
Trăng trên đất lạ xa cách và lạnh. Cũng là mầu vàng trăng nhưng trăng xưa đã khác. Huyền thoại về trăng cũng không còn. Mà huyền thoại là những câu chuyện đầy mầu sắc, nó phát ra một thứ ánh sáng huyễn hoặc dẫn dắt con người ta đi hết thuở thiếu thời.
Không có huyền thoại, thế thì con tôi có lẽ đang đi qua tuổi thơ bằng những con đường khác.
Có ai làm ơn chỉ giùm tôi lối đi của chúng?*
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Ôm một mối mơ...”
Hồi nhỏ, hằng năm vào độ Rằm Tháng Tám, mỗi khi nghe lũ trẻ nghêu ngao ngoài đầu ngõ là thể nào tôi cũng hỏi.
“Mẹ ơi, tại sao người ta lại gọi Cuội già là “thằng” hở mẹ?”
“Tại Cuội nói dối.”
“Mẹ ơi, Chị Hằng lên trăng hay chú Cuội lên trước hở mẹ?”
“Chắc... Chị Hằng.”
“Sao mẹ biết?”
Mẹ tôi ngần ngừ, “Vì mẹ nghe chuyện Hằng Nga Hậu Nghệ trước.”
“Chuyện như thế nào hở mẹ?”
Mặc tôi hỏi nhây, cứ mỗi độ Trung Thu, thể nào mẹ cũng dỗ tôi ngủ bằng cái câu chuyện mà tôi đã thuộc nằm lòng.
“Ngày xửa, ngày xưa, thuở quỷ thần còn hỗn mang, có chín con quạ tu luyện thành tinh biến thành chín mặt trời. Chín mặt trời ngày đêm tỏa ánh sáng hừng hực như muốn thiêu đốt thế gian. Sông ngòi khô cạn, đất đai nứt nẻ, đồng ruộng xác xơ. Thiên hạ chết khát, chết đói la liệt khắp nơi. Dân tình than oán như đã đến ngày tận thế.
Ở kinh thành, nhà vua rao truyền trong dân gian, ai làm tắt được chín mặt trời, ngài sẽ gả con và nhường ngôi cho. Những bậc hiền tài khắp nơi đều mong giúp nước, nhưng không ai đủ sức giương cung bắn tới mặt trời.
Có một hôm, giữa lúc nhà vua đang tuyệt vọng nhất thì có một người tự xưng là Hậu Nghệ vác một cây cung thật to, xin vào yết kiến. Thấy chàng khôi ngô, lực lưỡng, vua rất thuận lòng. Hậu Nghệ xin lên núi cao, vận hết thần lực giương cây cung chín thước. Khi chàng buông cung, tên lao vun vút rồi mất dạng giữa bóng mặt trời. Trong chín ngày, chàng bắn chín phát, mỗi phát trúng một mặt trời. Tới ngày thứ chín, bầu trời chỉ còn lại một mặt trời nguyên thủy. Nắng lửa không còn. Không gian trở nên mát mẻ.Thiên hạ khắp nơi vui mừng nhảy múa, nhà vua cũng đẹp dạ truyền gả Hằng Nga và nhường ngôi cho. Trên thiên đình, Bà Tây Vương Mẫu cũng cảm kích tặng Hậu Nghệ một viên linh đơn trường sinh bất tử. Hậu Nghệ giấu kín linh đơn, cái bí mật này chàng chỉ tiết lộ với Hằng Nga, người vợ xinh đẹp nhất đời của mình.
Từ khi lên ngôi, Hậu Nghệ thường ỷ công bắn hạ mặt trời nên đâm ra kiêu ngạo. Một hôm nhân lúc chàng mải mê săn bắn, Hằng Nga tò mò lấy thuốc ra xem. Đúng lúc đó, Hậu Nghệ trở về. Sợ chồng bắt được quả tang, Hằng Nga túng thế nuốt vội viên thuốc. Thuốc thần hiệu nghiệm, thân thể Hằng Nga trở nên nhẹ hẫng, từ từ bay bỗng lên cao. Hậu Nghệ đành bất lực, trơ mắt mà nhìn Hằng Nga mất dấu trên trời.
Từ đó, đời đời tương truyền, Hằng Nga bay lên cung trăng và sống cô độc một mình giữa chốn khôn cùng.
Mấy ngàn năm trôi qua.
Nhân loại già rồi chết.
Chỉ có một người cứ sống. Sống mãi... Sống mãi.
Tôi nhìn lên trăng, lòng đầy thương cảm. Ai hoài cho một người bị giam cầm trong cõi mịt mùng.
Dân gian kể, mỗi năm vào độ Trung Thu, đúng vào lúc trăng sáng nhất, Chị Hằng sẽ bước ra ngoài cung trăng để vũ khúc Nghê Thường.
Hồi nhỏ, tôi tin là thật, nhiều đêm cứ đăm đăm nhìn lên trời để mong rình gặp Chị Hằng.
Ôi! Tuổi thơ tôi. Và những mùa trăng đếm được.
Ngày 21 tháng 7 năm 1969. Thế giới chấn động. Phi thuyền Apollo 11 đưa con người đặt bàn chân đầu tiên lên tới mặt trăng.
“That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.”
“Đó là bước nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhẩy vọt vĩ đại cho nhân loại.”
Cả thế giới đứng tim theo dõi bước đi của Neil Amstrong.
Còn tôi, tôi cũng đứng tim theo dõi bước chân của... một người khác.
“Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.”
Tôi thấp thỏm. Tôi lo âu. Cứ nghĩ đến nỗi mong nhớ trần gian của Chị Hằng thì biết. Khó mà tưởng tượng! Mấy ngàn năm trôi qua! Bao nhiêu lần hình dung ra cảnh Chị Hằng chạy như bay tới chỗ Neil Amstrong. Là trái tim tôi nức nở. Chị không thể nào bỏ qua. Chị không thể nào không biết. Cơ hội mấy ngàn năm có một như vầy.
Nhưng Neil Amstrong đã không gặp Chị Hằng. Một dấu vết nhỏ cũng không. Mặt trăng chưa từng có sự sống.
Thế thì Hằng Nga đi đâu?
Nếu Hậu Nghệ là một nhân vật lịch sử thì Hằng Nga không phải là một nhân vật chỉ có trong huyền thoại. Chính sử Trung Quốc viết, Hậu Nghệ là vua nước Hữu Cùng. Hữu Cùng là một nước chư hầu tí hon thời Nhà Hạ. Ông nổi tiếng thần xạ, bách phát bách trúng. Năm 2188 TCN, vua Nhà hạ là Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Nhưng Thái Khang là kẻ ham chơi, thích săn bắn, không quan tâm đến triều chính và tin dùng Hậu Nghệ. Mỗi lần săn bắn thường mời Hậu Nghệ đi cùng. Thấy Thái Khang bỏ bê chính, hậu Nghệ nảy sinh ý định cướp ngôi.
Một hôm, nhân dịp Thái khang rời kinh đi săn ở đất Lạc, Hậu Nghệ một mặt bí mật sai quân ở nước Hữu Cùng bất ngờ tấn công kinh đô Nhà Hạ, một mặt đem quân phong tỏa lối về của Thái Khang.
Nghe tin có biến, Thái Khang vội vàng mang quân trở về, nhưng không phá nỗi vòng vây, đành dẫn quân sang các nước chư hầu.
Thái Khang định liên kết với chư hầu đánh Hậu Nghệ, nhưng vì chư hầu không phục, đành lưu vong rồi mất ở nước ngoài.
Hậu Nghệ sau khi cướp được Nhà Hạ lại tỏ ra kiêu ngạo, lại bắt chước như Thái Khang đắm mình trong tửu sắc, mê săn bắn và bỏ bê việc nước. Nhiều trung thần can ngăn nhưng Hậu Nghệ lại đâm oán ghét rồi điều họ đi nơi khác. Một người bề tôi tên là Hàn Trác thấy thế cũng nảy sinh ý định cướp ngôi.
Hàn Trác là kẻ giảo hoạt, dùng lời xu nịnh, tán tụng Hậu Nghệ lên tận mây xanh. Hậu Nghệ hết lòng tin tưởng, trao hết triều chính cho Hàn Trác để hưởng lạc. Hàn Trác thường xuyên ra vào cung cấm, lộng quyền, lại còn cả gan tư thông với Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ.
Về sau, có kẻ mật báo, Hậu Nghệ tức giận cầm gươm vào cung tra vấn. Trong cơn ghen tột độ đã giết chết Hằng Nga. Sau đó phao lên, Hằng Nga lén uống linh đơn nên bay về trời. Tin từ miệng vua truyền, không ai dám tra vấn hay nghi ngờ chi cả. Câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác, mỗi người thêm thắt, riết thành huyền thoại.
Mà huyền thoại bao giờ cũng sáng rực trong thi ca.
Xưa nay, có thi sĩ nào mà lại không yêu trăng?
Giả sử, trời không có trăng, đêm sẽ buồn biết mấy! Thi ca sẽ là những dòng chữ tối tăm, mờ mịt.
Trong bài Điểu Minh Giản, Vương Duy viết
“Người nhàn hoa quế rụng.
Đêm Xuân núi đìu hiu.
Trăng lên chim thảng thốt
Khe Xuân vọng tiếng kêu”
Đêm trong núi, bất chợt có ánh trăng nhô lên, lồng lộng sáng trên đầu ngọn rừng, làm con chim phải bàng hoàng, giật mình mà thảng thốt. Hóa ra, vạn vật đều say trăng, không cứ chỉ con người.
Trăng chỉ có một nhưng mỗi người yêu mỗi cách.
Nhà thơ Lý Bạch Trung Hoa đôi lúc cũng hỏi trời, hỏi trăng.
“Trời xanh, trăng có tự bao giờ?
Nâng chén, đêm nay hỏi một câu.
Người với lên trăng, vin chẳng được.
Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.”
Trăng tự ngàn xưa mà trăng vẫn mới.
Thơ của người xưa sao ý vẫn mới?
Trăng chỉ có một, mà người mỗi nước yêu mỗi khác.
Trong thơ Việt, nhà thơ kéo trăng xuống đời.
“Gió theo lối gió, mây đường mây.
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Mà hình như chỉ ở Việt Nam, trăng mới đầy huyền thoại. Chị Hằng trong trăng, trăng hóa Chị Hằng.
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu.
Đợi gió Đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động.
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!”
Hay trăng của Vũ Hoàng Chương,
“Sao đọng kim cương sáng ngập bờ
Lúa thì con gái mượt như tơ
Gốc đa cổ thụ duyên còn đượm
Và cái trăng vàng quá lẳng lơ”
Trăng chỉ có một, sao trăng Việt Nam lại lẳng lơ hơn? Chị Hằng cũng có một, sao Chị Hằng trong mắt Việt lại gợi tình hơn? Hay chỉ tại nhà thơ Việt quá đa tình? Đến nỗi “thi cuồng” Bùi Giáng cũng lên tiếng trêu,
“Trăm năm tắm gội dưới trời
Ngày thì tắm nắng, tối rồi tắm trăng.
Nhớ em tắm với chị Hằng
Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn.”
Nhưng yêu trăng nhất có lẽ chính là Tô Thùy Yên, nhà thơ lớn của Việt Nam, một tâm hồn lớn mở hết với trăng.
“Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi.
Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.”
Trăng tít tận trời, mà trăng gần gũi như người bạn. Thức trắng đêm để chơi với trăng. Yêu trăng hằng đêm, yêu trăng tới nỗi khi nghĩ đến cái chết mai sau, mình mất rồi thì sẽ trăng quạnh quẽ mà chạnh lòng. Yêu đến vậy thì tột cùng. Thì mới là yêu nhất.
Năm 1983, tôi đi vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ chòng chành giữa trùng khơi mịt mùng. Sinh mạng mong manh, mỏng tựa sợi tơ, chỉ chực đứt đời khi trời gió nổi. Mấy đêm liền trời tối đen như mực, chúng tôi 62 người như những người mù ngồi im trong bóng tối. Tôi giơ bàn tay, bàn tay cũng chìm trong cái mầu đen kịt. Tôi nghĩ đến cái chết của một con người. Của tôi. Giống như một dấu chấm nhỏ nhoi đột nhiên biến mất. Không hề gây ra một xao động nào. Một sự tĩnh lặng tuyệt nhiên trong trời đất.
Vậy mà hôm sau trời lại có trăng. Một lần trong đời ngắm trăng trên biển. Tôi như con chim trong thơ Vương Duy bỗng giật mình thảng thốt kêu. Những thi sĩ không yêu trăng quá đà. Thơ không hề cường điệu. Không có nơi nào đẹp bằng trăng trên biển. Trên núi non, trên sông ngòi, mặt đất hẹp quá nên trăng không giải hết. Chỉ có biển, biển mới đủ rộng cho thỏa tình trăng tỏa. Đêm đó tôi ngồi giữa biển trăng mà chảy nước mắt. Những giọt nước mắt cảm động tạ ơn Thượng Đế. Cảm ơn Ngài đã cho tôi một ân phước lớn trong đời. Trước khi chết còn thấy được một kỳ công của tạo hóa. Biển trăng.
Bây giờ, cũng đang là mùa trăng.
Đã lâu, tôi không ai nghe ai hát bài “Ánh trăng trắng ngà...”
“Mẹ ơi, không có ai ở trên cung trăng đâu mẹ.”
“Mẹ ơi, thằng Cuội không phải là kẻ nói dối nhất đâu mẹ?”
Trăng trên đất lạ xa cách và lạnh. Cũng là mầu vàng trăng nhưng trăng xưa đã khác. Huyền thoại về trăng cũng không còn. Mà huyền thoại là những câu chuyện đầy mầu sắc, nó phát ra một thứ ánh sáng huyễn hoặc dẫn dắt con người ta đi hết thuở thiếu thời.
Không có huyền thoại, thế thì con tôi có lẽ đang đi qua tuổi thơ bằng những con đường khác.
Có ai làm ơn chỉ giùm tôi lối đi của chúng?*