Đường dẫn truy cập

Các vụ bắt cóc ở Libăng gây sợ hãi trong vùng


Các tay súng thuộc gia tộc Mikdad, tụ tập tại một trụ sở của gia tộc này trong khu ngoại ô ở hướng nam thủ đô Beirut của Libăng
Các tay súng thuộc gia tộc Mikdad, tụ tập tại một trụ sở của gia tộc này trong khu ngoại ô ở hướng nam thủ đô Beirut của Libăng
Lo sợ đang ngày càng gia tăng rằng Libăng có thể bị kéo sâu vào vụ xung đột tại Syria, khi nhiều quốc gia Ả Rập vùng Vịnh kêu gọi công dân của họ rời khỏi Libăng ngay lập tức sau khi xảy ra đột ngột các vụ bắt cóc.

Tin cho hay hơn 20 người Syria và một người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đã bị gia đình Mikdad thuộc phe Hồi Giáo Shia đầy thế lực và những người ủng hộ họ bắt tại Thung lũng Bekaa và gần Beirut trong tuần này.

Phe cánh này phẫn nộ về vụ công dân mang quốc tịch Libăng là Hassan Salim Mikdad, bị Quân Đội Syria Tự do bắt giữ. Đài truyền hình Libăng chiếu cảnh ông này bị đánh đập tới bầm tím, và nói ông là thành viên của nhóm Hezbollah.

Hôm thứ Tư, các ủng hộ viên của gia đình Mikdad đã phá hủy hằng chục cửa tiệm do người Syria điều hành trong khu vực Beirut. Sau đó họ chặn đường tới phi trường bằng cách đốt vỏ bánh xe hơi, khiến một phản lực cơ của Pháp phải chuyển hướng bay tới đảo Síp.

Tin cho hay các giới chức chính phủ Libăng sẽ thương thuyết với gia đình Mikdad để phóng thích tất cả các con tin đang bị họ cầm giữ.

Ông Hillal Khassan, giáo sư môn khoa học chính trị tại American University ở Beirut, nói rằng gia đình Mikdad là thuộc lực lượng dân quân Hồi Giáo Shia đầy thế lực và đảng chính trị Hezbollah. Ông nói:

“Hezbollah bị áp lực của giới ủng hộ họ vì đã không làm gì cả - hay không làm đủ – để phóng thích người đàn ông bị bắt tại Syria. Không có nghi ngờ gì về chuyện đó, Quân đội Syria Tự do nói họ có bằng chứng chứng tỏ đương sự là một chiến binh Hezbollah sát cánh chiến đấu với quân đội dưới quyền Tổng Thống Assad. Họ đã khẳng định sẽ không phóng thích ông Mikdad, dù cho Hezbollah và gia đình Mikdad có bắt giữ hằng chục con tin Syria đi nữa.”

Ông Khashan nói vấn đề là nhóm Hezbollah đang bối rối. Ông nói tổ chức đầy thế lực này không thể làm bất cứ điều gì để giải cứu Hassan Mikdad, và họ tin rằng Quân đội Syria Tự Do đã tìm cách tăng tầm quan trọng của vụ bắt giữ ông này. Nhưng ông Khashan nhận định rằng vụ đối đầu này có phần chắc sẽ không khơi động xung đột giáo phái tại nước Libăng đang trong tình trạng bấp bênh. Ông nhận định:

“Hezbollah sẽ không có lợi gì nếu để vấn đề này leo thang. Họ không muốn chứng kiến một cuộc nội chiến xảy ra. Họ tin rằng một cuộc nội chiến ở Libăng sẽ không phục vụ mục tiêu của họ.”

Nhưng tình hình Libăng vẫn căng thẳng khi con đường dẫn tới phi trường quốc tế ở Beirut được mở lại hồi sáng thứ Năm.

Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh trong đó có Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait , và Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất kêu gọi các công dân của họ hãy lập tức rời khỏi Libăng sau khi xảy ra các vụ bắt cóc.

Trong khi đó giám đốc cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên Hiệp Quốc, bà Valerie Amos, đã hủy bỏ chuyến đi thăm người tị nạn Syria tại Thung Lũng Bekaa ở Libăng đã được hoặch định từ trước, sau khi xảy ra các vụ bắt cóc. Bà cho biết là các giới chức an ninh của bà đã khuyên bà không nên tới khu vực đó.

Bà Amos chấm dứt chuyến đi hai ngày tới thăm Damascus với một trạm dừng chân ở Beirut. Nói chuyện với các nhà báo, bà nói rằng khi Liên Hiệp Quốc thẩm định tình hình cứu trợ hồi cuối tháng Ba thì có khoảng một triệu người Syria cần được giúp đỡ. Bà nói con số đó bây giờ đã tăng hơn gấp đôi. Bà cho biết:

“Theo chúng tôi thì số người cần được giúp đỡ có lẽ đã tăng lên tới 2 triệu rưỡi. Đấy là những người ở bên trong Syria. Ngoài con số đó, lẽ dĩ nhiên còn có những người đã vượt biên giới chạy sang Jordan, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq trong tư cách tị nạn .”

Bà Amos cho biết cho tới nay bà không thuyết phục được chính phủ Syria cho phép các cơ quan cứu trợ quốc tế lớn nhập cảnh Syria, dù Liên Hiệp Quốc cần sự có mặt của các tổ chức ấy để giúp đáp ứng nhu cầu của một số người đông như vậy.

Bà Amos bác bỏ các quan tâm của chính phủ Syria rằng những sự trợ giúp đó có thể tới tay các tổ chức võ trang đang chiến đấu chống họ. Bà nói công tác cứu trợ nhân đạo phải được thực hiện một cách độc lập và không thiên vị bên nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG