Các trường đại học danh tiếng của Mỹ đang cắt đứt quan hệ với công ty công nghệ Trung Quốc Huawei và viện Khổng Tử trong khi chính phủ Mỹ tìm cách hạn chế các mối quan hệ của giới hàn lâm Hoa Kỳ đối với hai tổ chức này, theo South China Morning Post (SCMP).
Huawei Technologies, tập đoàn công nghệ tư nhân khổng lồ toàn cầu của Trung Quốc và Học viện Khổng Tử, một cơ quan liên kết với Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa của Trung Quốc, đã bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ và nhiều cơ quan liên bang nhắm đến vì những lý do rất khác nhau, nhưng chính phủ Mỹ tin rằng cả hai tổ chức của Trung Quốc đều gây ảnh hưởng bất lợi cho những lợi ích của Mỹ.
Huawei, hiện đang là tâm điểm chú ý trên truyền thông do việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính của công ty này theo yêu cầu của Washington. Huawei đã nhanh chóng nổi lên như một đối thủ cạnh tranh toàn cầu với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Cisco Systems và Apple. Các mối quan hệ trực tiếp của Học viện Khổng Tử với chính quyền trung ương Trung Quốc đã làm dấy lên những lời phàn nàn từ các giáo sư Mỹ. Họ thấy được một trò chơi quyền lực mềm trong tổ chức này với mục đích hạn chế thảo luận học thuật về các chủ đề mà Bắc Kinh tìm cách chôn vùi.
Theo SCMP, trang mạng có trụ sở tại Hong Kong, cho biết Đại học Stanford, Đại học California phân viện Berkeley nổi tiếng, và các trường khác đã quyết định cắt đứt quan hệ với Huawei một cách lặng lẽ, với việc truyền thông đưa tin về các thông báo nội bộ của họ hàng ngày hoặc hàng tuần. Nhưng nhiều trường đại học khác, bao gồm Đại học Harvard, vẫn yên lặng.
Sự im lặng trong giới hàn lâm về mối liên hệ của họ với Huawei và viện Khổng Tử có thể báo hiệu sự bất lực trong việc đánh giá tính hợp pháp của các mối quan hệ này và hậu quả của việc tuyên bố cắt đứt quan hệ với họ, theo SCMP. Những quyết định này đang được đưa ra trong bầu không khí chính trị ngày càng có nhiều lo ngại và nghi ngờ về Trung Quốc, được chính quyền Trump khuyến khích, trong bối cảnh một cuộc chiến tranh thương mại và tranh luận về an ninh quốc gia, trong đó mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh bị đẩy xuống rất thấp.
Các thông tin chi tiết về sự liên quan của Huawei với các trường đại học Hoa Kỳ và phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ “đang tác động rất nhanh [đối với các trường đại học] và các trường có những liên quan thực sự trong mối quan hệ này, và vấn đề cụ thể của cuộc tranh luận chưa được xác định rõ ràng,” Robert Daly, nhà nghiên cứu về Trung Quốc và Mỹ của Viện Kissinger tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington, cho biết.
Trong suốt 30 năm qua, các trường đại học đã ký hàng trăm MOU [bản ghi nhớ] với các tổ chức Trung Quốc và hầu hết trong số đó không có ý nghĩa gì hay sẽ đi đến đâu. Không ai theo dõi họ. Họ đã thực hiện chúng ngoài ý muốn chung khi quyết định trở thành các trường đại học quốc tế trong thời kỳ (mở rộng) quan hệ,” ông Daly nói.
Quan hệ với Trung Quốc có lẽ là vấn đề chính trị duy nhất hiện nay thống nhất đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Không may cho các trường đại học có liên kết với Trung Quốc, Washington đã thống nhất chống lại các mối quan hệ này.
Tránh xa tiền từ Huawei
Kết nối chính của Huawei với các trường đại học Mỹ là thông qua Chương trình nghiên cứu đổi mới Huawei (HIRP), mà công ty này gọi đó là một sáng kiến toàn cầu “để xác định và hỗ trợ các giảng viên chính thống mang đẳng cấp thế giới theo đuổi sự sáng tạo vì lợi ích chung.”
Trong số 10 trường đại học Mỹ được kể đến là các bên cộng tác hoặc đối tác trong bài thuyết trình năm 2017 về HIRP, bảy trường – bao gồm các trường đại học Yale, Harvard và Carnegie Mellon – đã không trả lời các yêu cầu của SCMP về các thông tin chi tiết về sự tham gia của họ vào chương trình HIRP hoặc các mối liên hệ khác với Huawei.
Trong khi đó, các trường Cornell, Princeton và Stanford đã hồi đáp.
“Sau khi chính phủ Hoa Kỳ nói rõ các mối lo ngại về Huawei Technologies vào năm ngoái, Đại học Cornell đã xác định một số thỏa thuận nghiên cứu hiện có với Huawei, đại diện cho một phần nhỏ trong số hơn 150 thỏa thuận đối tác như vậy mà trường duy trì với các doanh nghiệp bên ngoài trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn cầu,” John Carberry, giám đốc quan hệ truyền thông của Cornell, cho SCMP biết trong một email.
“Trong mỗi trường hợp, trường đã xem xét cẩn thận các dự án đang được đề cập để xác minh rằng các biện pháp bảo vệ phù hợp đã được áp dụng để giải quyết vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin, nhằm đảm bảo sự độc lập trong nghiên cứu của chúng tôi và tuân thủ tất cả các luật và quy định của liên bang và tiểu bang,” ông Carberry nói.
Princeton đã dừng các mối mối quan hệ tài trợ mới với Huawei vào năm ngoái, theo giám đốc quan hệ truyền thông của trường Ben Chang cho biết, và vào tháng 1, trường “đã thông báo cho Huawei rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận phần tài trợ thứ ba và cuối cùng trị giá 150.000 USD để hỗ trợ nghiên cứu khoa học máy tính, dự án duy nhất được Huawei hỗ trợ đang hoạt động của chúng tôi.”
Trường Stanford nói trong một email rằng họ đã “thiết lập một lệnh cấm đối với các cam kết, quà tặng, phí thành viên liên kết và hỗ trợ mới khác từ Huawei.”
Trường đại học Harvard không còn có mối quan hệ nào với Huawei sau khi kết thúc khoản tài trợ của công ty này đối với hai giảng viên của trường, theo một nguồn tin yêu cầu được giấu tên vì không đủ thẩm quyền để nói chuyện công khai về vấn đề này.
Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Đại học Chicago, Đại học California-Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts – tất cả đều được Huawei trích dẫn là bên cộng tác trong chương trình HIRP – đã không phản hồi yêu cầu bình luận của SCMP.
Đạo luật bảo vệ các trường đại học
Trong khi đó, các nỗ lực nhằm cắt đứt các mối quan hệ khác giữa Huawei và giới hàn lâm của Mỹ vẫn tiếp tục.
Đạo luật Bảo vệ các trường Đại học của chúng ta, do dân biểu Jim Banks – một đảng viên Cộng hòa đại diện tiểu bang Indiana – giới thiệu vào tuần trước, sẽ thiết lập một lực lượng chuyên biệt, do Bộ Giáo giục Mỹ dẫn đầu, nhằm duy trì một danh sách các dự án nghiên cứu “nhạy cảm”, bao gồm những dự án có nguồn tài chính từ bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và các cơ quan tình báo Mỹ.
Cơ quan được đề xuất trên sẽ giám sát sự tham gia của sinh viên nước ngoài trong các dự án đó. Sinh viên có quốc tịch Trung Quốc trong quá khứ hoặc hiện tại sẽ không được tiếp cận các dự án mà không có sự cho phép của giám đốc tình báo quốc gia. Đạo luật này cũng kêu gọi giám đốc tình báo tạo ra một danh sách các thực thể nước ngoài “gây ra mối đe dọa gián điệp liên quan đến nghiên cứu nhạy cảm,” và quy định rằng Huawei phải được đưa vào danh sách đó.
Không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đã trao cho chính phủ Trung Quốc các thông tin công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ mà có thể được triển khai về mặt quân sự hoặc đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang hành động dựa trên lý thuyết rằng đây là ý định của Trung Quốc.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội vào năm 2017, tập trung vào các nỗ lực của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác trong việc tìm cách có được các thông tin về công nghệ thông qua sự hợp tác với các trường đại học Mỹ. Báo cáo này đã xúc tác cho sự đồng thuận hiếm có của lưỡng đảng trong việc nhất trí rằng các mối quan hệ này cần phải được theo dõi.
Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật này vào năm ngoái nhằm tăng cường sự giám sát của chính phủ liên bang đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ Mỹ, một động thái nhắm vào các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có hành động tương tự nào được đưa ra trong giới hàn lâm, nơi sự hợp tác của Huawei đã tăng mạnh trong những năm gần đây.