Quốc hội Indonesia mới đây đã thông qua một luật mới để hủy bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp để bầu ra các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương. Theo tường thuật của thông tín viên Kate Lamb của đài VOA ở Jakarta, các tổ chức xã hội dân sự ở đây đang chuẩn bị nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp để chống lại dự luật gây tranh cãi này.
Các cuộc bầu cử trực tiếp để chọn người lãnh đạo của các chính quyền địa phương đã được thực hiện ở Indonesia từ năm 2005 và có một vai trò vô cùng quan trọng trong thể chế dân chủ của nước này.
Tuy nhiên, quốc hội Indonesia hồi tuần trước đã biểu quyết thông qua một dự luật để hủy bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp. Họ nói rằng hệ thống này không hoạt động một cách có hiệu quả và hay gây ra những vụ xung đột và làm phát sinh nạn tham ô ở địa phương.
Theo luật mới, các vị tỉnh trưởng, quận trưởng và thị trưởng sẽ được bổ nhiệm bởi các nghị viện, một hệ thống được áp dụng dưới thời của lãnh tụ độc tài Suharto.
30 tổ chức xã hội dân sự đã tham gia một liên minh để chống lại dự luật này và họ dự trù nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp trong những tuần lễ sắp tới.
Bà Titi Anggraini, Giám đốc Hội Bầu cử và Dân chủ (Perludem), giải thích như sau.
"Hội Perludem chúng tôi, cùng với 20 tổ chức xã hội dân sự khác, sẽ nộp đơn kiện cho Tòa án Hiến pháp để chống lại việc ban hành luật bầu cử địa phương bởi vì chúng tôi nghĩ rằng luật này đi ngược với tinh thần của hiến pháp, theo đó chủ quyền thuộc về người dân. Việc áp dụng luật này sẽ làm cho chúng tôi mất đi quyền bầu cử và ứng cử. Do đó, đây là vấn đề liên quan tới một nguyên tắc cơ bản của các quyền chính trị, quyền được đi bầu và quyền được tranh cử."
Bà Anggraini cho biết liên minh sẽ trình bày một lập luận cho tòa án là luật mới này tước đoạt quyền chọn lựa các nhà lãnh đạo của công chúng và trên thực tế sẽ ngăn chận sự xuất hiện của các ứng cử viên độc lập.
Thí dụ điển hình của các ứng cử viên đó là ông Joko Widodo, người vừa đắc cử Tổng thống. Ông là một chính khách độc lập - được công chúng ủng hộ mạnh mẽ khi ra tranh cử chức vụ thị trưởng ở tỉnh Trung Java, và sau đó ông đã đắc cử vào chức đô trưởng Jakarta trước khi được bầu làm tổng thống.
Một sự chỉ trích chủ yếu đối với dự luật này là sự bổ nhiệm các nhà lãnh đạo địa phương có phần chắc sẽ bị thao túng bởi những nhân vật quyền thế của các đảng phái chính trị.
Ông Djaydi Hanan, một nhà phân tích chính trị của Đại học Paradamina ở Jakarta, cho rằng dự luật này gây ra những thiệt hại lớn cho các thành quả dân chủ của Indonesia.
"Đây là một sự tụt hậu lớn sau khi nền dân chủ Indonesia có được đà tiến. Chúng ta có thể nói rằng đây là một sự quay lại với chế độ đầu sỏ chính trị, và giai cấp có quyền thế giờ đây có thể khống chế tiến trình chính trị ở cấp địa phương."
Tuy các nhà bình luận mô tả dự luật này là phi dân chủ, hiện vẫn chưa rõ việc kiện lên tòa án hiến pháp có thành công hay không.
Trong khi đó, người dân ở đây tiếp tục cảm thấy tức giận.
Trong một cuộc biểu tình ôn hòa ở Jakarta hôm chủ nhật và trên các mạng xã hội trong những ngày vừa qua, những người chỉ trích mô tả dự luật này là “cái chết của nền dân chủ.”
Trên trang Twitter, có nhiều tin nhắn đả kích Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đến độ thẻ ShameonSBY đã trở thành từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong vòng gần 48 giờ đồng hồ.
Tổng thống Yudhoyono đang thực hiện chuyến công du nước ngoài lần chót, nhưng ông cũng đã bày tỏ sự thất vọng khi dự luật được thông qua.
Trong một đoạn video đăng trên YouTube, ông nói rằng ông cũng muốn nộp đơn kiện cho Tòa án Hiến pháp hoặc Tối cao Pháp viện. Theo dự liệu, ông sẽ cắt ngắn chuyến công du Nhật Bản để có thể họp với các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện vào thứ tư tuần này.
Nhiều người tỏ ý nghi ngờ về sự thành thật của phản ứng đó của ông Yudhoyono, vì ông đã có thể ngăn chận cuộc thảo luận về dự luật này ngay từ lúc đầu nếu ông muốn; và đảng của ông đã để cho dự luật được thông qua sau khi rút khỏi phòng họp và không tham gia cuộc biểu quyết.
Dự luật này giờ đây được xem là một vết nhơ trong thành tích của ông Yudhoyono. Trong 10 năm dưới sự cai trị của ông, Indonesia đã có tăng trưởng kinh tế khả quan và ổn định chính trị. Nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt vào ngày 20 tháng 10.