Một liên minh các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới đồng thanh kêu gọi Tổng thống Mỹ thúc giục Hà Nội phóng thích các nhà hoạt động đang bị giam cầm nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới đây.
Trong thư ngỏ gửi Tổng thống Barack Obama đề ngày 26/4, 19 tổ chức nhân quyền cũng đề nghị nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh với chính phủ độc tài của Hà Nội rằng đàn áp nhân quyền sẽ đe dọa tới cơ hội Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Trong số các tổ chức đồng ký tên trong thư có Freedom House và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.
Đầu tuần này, Việt-Mỹ kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền thường niên năm nay tại Washington, mà qua đó, Hoa Kỳ đã tăng áp lực với Việt Nam về một loạt các vụ bắt bớ những tiếng nói chỉ trích nhà nước tại Việt Nam và thúc bách Hà Nội đạt tiến bộ về cải cách pháp lý tại đất nước độc đảng cộng sản cầm quyền.
AP dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động, ông Tom Malinowski, cho biết năm ngoái số các vụ bắt bớ, đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam giảm đáng kể nhưng xu hướng này đã tăng trở lại trong năm nay.
Ông Malinowski nói Hoa Kỳ đang theo dõi sát các bước tiến của Việt Nam về cải tổ luật pháp.
Các tổ chức nhân quyền trong thư ngỏ nói giữa bối cảnh Quốc hội Mỹ trong vài tháng tới đây sẽ xem xét việc phê chuẩn TPP, nhà cầm quyền Việt Nam nên cân nhắc tầm quan trọng của việc hành động tức thì để chứng tỏ tuân thủ với các cam kết nhân quyền quy định trong Hiệp định TPP.
Cuối thư, các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế này viết rằng Tổng thống Mỹ nên nêu rõ với Hà Nội rằng mối quan hệ Việt-Mỹ cơ bản sẽ không thăng tiến nếu Việt Nam không phóng thích các nhà hoạt động, chấm dứt sách nhiễu các tổ chức xã hội dân sự, và tôn trọng các giá trị nhân quyền được quốc tế công nhận.
Theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính tới cuối năm ngoái, có khoảng 95 tù nhân chính trị đang bị Việt Nam giam cầm.
Chỉ trong tuần cuối của tháng 3 năm nay, Việt Nam đã tuyên án 7 nhà hoạt động ôn hòa các bản án từ 3 tới 5 năm tù vì các điều luật về an ninh quốc gia bị chỉ trích là mơ hồ nhằm trấn áp các tiếng nói bất đồng với nhà nước.