Đường dẫn truy cập

Các nước Phi Châu ngày càng bất mãn với Trung Quốc


Một số người ở Phi Châu tin họ đang bị thua thiệt vì xuất khẩu sang Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên có giá nhưng lại không nhận được gì nhiều từ Trung Quốc trên phương diện công ăn việc làm hay nguồn thu.
Một số người ở Phi Châu tin họ đang bị thua thiệt vì xuất khẩu sang Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên có giá nhưng lại không nhận được gì nhiều từ Trung Quốc trên phương diện công ăn việc làm hay nguồn thu.
Ghana mới đây đã bắt giữ hơn 100 người Trung Quốc về tội khai thác vàng bất hợp pháp. Hồi tháng hai, Zambia đã tịch thu một mỏ than của Trung Quốc vì vấn đề an toàn. Và Gabon định lấy lại tài sản từ 3 công ty dầu khí nước ngoài, trong đó có một công ty của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng những việc này cùng với nhiều việc khác cho thấy Phi Châu đang bất mãn trước những hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở châu lục này. Từ Dakar, thông tín viên Anne Look của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Phi Châu vào năm 2009. Kim ngạch mậu dịch song phương lên tới gần 200 tỉ đô la vào năm 2012. Tuy nhiên, một số người ở Phi Châu tin rằng họ đang bị thua thiệt vì họ xuất khẩu sang Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên có giá nhưng lại không nhận được gì nhiều từ Trung Quốc trên phương diện công ăn việc làm hay nguồn thu.

Ông Bright Simon, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phát triển của Tập đoàn IMANI ở Ghana, Trung Quốc không còn được xem là một nước hào hiệp, chuyên cung cấp cho Phi Châu các khoản cho vay và phái người tới xây đường sá, bệnh viện và sân vận động với giá rẻ. Giờ đây Trung Quốc là một đối tác thương mại.

Ông Simmons nói: "Quan điểm thực tế mới xuất hiện này đã đột nhiên xuất hiện tại nhiều nơi cùng một lúc, và điều này có thể tạo ra một ấn tượng là có một sự thoái bộ trong mối quan hệ Trung Quốc-Phi Châu. Nhưng theo tôi, quan hệ đôi bên chỉ tiến vào một giai đoạn mới, một giai đoạn thành thục hơn, và người dân Phi Châu giờ đây đã tỉnh táo hơn về những gì cần phải làm khi giao tiếp với Trung Quốc trên một sân chơi bình đẳng. Có một điều mỗi ngày một trở nên rõ ràng hơn là Trung Quốc cũng chú trọng tới lợi nhuận tiềm năng như các công ty Tây phương và các chính phủ Tây phương. Và chính vì lý do đó mà sự hào hứng, thích thú về Trung Quốc đã giảm đi."

Ghana đang ra sức trấn áp những người nước ngoài dính líu tới những hoạt động khai thác vàng với qui mô nhỏ. Theo ông Simons, những hoạt động được gọi là “đào vàng cạn” này đã tăng mạnh hồi gần đây vì giá vàng toàn cầu sút giảm làm giảm bớt lợi nhuận của hoạt động khai thác vàng đào sâu, đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn. Chính phủ Ghana đã bắt hơn 100 người Trung Quốc để trục xuất.

Các nhà phân tích cho biết các nước ở Phi Châu, như Niger và Gabon, chỉ muốn gia tăng lợi ích của việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên – gia tăng nguồn thu của chính phủ, gia tăng số công ăn việc làm cho dân chúng địa phương và cải thiện cuộc sống của người dân. Nhu cầu toàn cầu đối với những tài nguyên như dầu lửa, than đá, quặng sắt và uranium làm cho vị thế của các nước này được mạnh hơn trong quá trình mặc cả. Nhiều nước cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới những cách thức hoạt động có tính chất bóc lột hoặc trái với pháp luật.

Ông Ben Payton là một chuyên gia về Phi Châu của công ty đánh giá rủi ro Maplecroft ở London. Ông cho biết các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các chính phủ Phi Châu phần lớn là “rất tốt và mỗi ngày một vững mạnh hơn.” Nhưng ông nói rằng những tố cáo về việc các công ty Trung Quốc đối xử tệ với công nhân địa phương có thể gây thương tổn cho các mối quan hệ này.

Ông Payton nói: "Tại những nơi như Zambia, như Ghana, có rất nhiều sự căm tức đối với người Trung Quốc và có rất nhiều áp lực đòi chính phủ không cấp giấy phép khai thác cho các công ty Trung Quốc. Trong dài hạn, áp lực từ bên dưới sẽ là một thách đố lớn cho mối quan hệ Trung Quốc-Phi Châu."

Ông Payton cho biết các nước Phi Châu đang ấn định quota cho số nhân viên nước ngoài mà các công ty có thể đưa tới làm việc và đòi hỏi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy tại địa phương để chế biến nguyên liệu thô.

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lửa lớn hàng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ. Khoảng một phần ba số dầu mà họ nhập khẩu là nhập từ các nước Phi Châu, trong đó có một phần nhỏ là từ Gabon.

Quốc gia vùng Trung Phi này đang chuẩn bị tiến hành một vòng đấu thầu mới cho giấy phép khoan dầu ngoài khơi. Đồng thời, chính phủ Gabon cho biết họ định không gia hạn giấy phép cho các giếng dầu hiện có của ba công ty nước ngoài, trong đó có công ty Addax, một công ty con của Công ty Sinopec của Trung Quốc.

Chính phủ tố cáo công ty Addax có những hành vi bất hợp lệ trong việc báo cáo giá thành làm cho nguồn thu của Gabon bị giảm đi. Addax phủ nhận tố cáo vừa kể.

Ông Payton nói rằng vụ tranh chấp này cho thấy Gabon muốn nhận được nhiều lợi ích hơn từ tài nguyên thiên nhiên của mình.

Ông Payton cho biết: "Theo suy đoán của tôi, qua việc trấn áp Addax – bởi vì đây là lần thứ nhì Addax bị thu hồi giấy phép, họ có lẽ đang tìm cách tạo ra một không gian hoạt động cho công ty dầu khí quốc doanh mới, Công ty Dầu khí Gabon, vì những giếng dầu do Addax khai thác sẽ được giao cho Công ty Dầu khí Gabon."

Nhưng ông Payton nói thêm rằng sản lượng của giếng dầu thứ nhất mà Gabon tịch thu từ công ty Addax đã sút giảm đáng kể sau vụ tiếp quản của Công ty Dầu khí Gabon, làm cho nhiều người nêu nghi vấn về năng lực của công ty quốc doanh này.

Các nhà quan sát cho rằng những sự xáo trộn hồi gần đây của những vụ làm ăn giữa Trung Quốc với Phi Châu là dấu hiệu cho thấy “thời kỳ trăng mật” giữ đôi bên đã kết thúc. Tuy nhiên, họ cũng đồng ý với nhau rằng quan hệ hợp tác này sẽ được duy trì và mỗi ngày một phát triển nhiều hơn – nhưng có lẽ sẽ có tính chất bình đẳng hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG